Cảm nhận ở một ngày đi làm, trốn, xem tranh “Biển”
của Ann Phong bày ở phòng kế bên...
Họa sĩ Ann Phong (Hình: VAALA) |
Đứng trân người để nhìn, bỗng thấy mình hụt hơi, chết đuối giữa tranh. “Biển” của Ann Phong lúc nào cũng trắng sóng, cuồn cuộn đẩy xô người trôi về một cõi xanh, xa, thẳm.
Đứng trân người, rất lâu, vì tâm tư luống cuống như đang cố tìm, tìm mãi, mà vẫn không thấy lối ra từ trong thế giới sắc hình của “Biển”, để chực hớp hơi thở dồn, tựa lúc vừa ngoi lên được khỏi mặt nước tràn trề. Bấy giờ, là thời khắc của sự sống vẫy vùng!
Xem ra, không chỉ có sóng của “Biển” hay nước làm thành cõi mông mênh trong thế giới tranh trừu tượng Ann Phong mà, rờn rợn dưới mấy tầng đáy sâu, địa ngục mở toang hoác những cánh cửa cho hằng sa oan hồn bé bỏng nổi trồi lên, lờn vờn. “Biển” bầm đen, mà sao vẫn rực rỡ trong tranh Ann Phong, vì loáng thoáng người ta thấy lại hình bóng quê quán ta xưa, ngậm ngùi!
Nhưng đó không phải là giấc mơ trừu tượng, mà là lịch sử Việt Nam, là sự thật của nhân loại cuối thế kỷ XX.
Những năm sau cùng của thập niên 80, trên hải đảo Paulo Bidong thuộc vương quốc Malaysia, có một thiếu nữ Việt Nam duy nhất còn sống sót và may mắn được người ta vớt lên giữa biển rồi mang vào đây tạm cho trú ngụ. Mỗi buổi chiều nàng thường lân la xuống bãi, ngong ngóng trông ra phía trùng dương xa. Những lần như thế, chỉ trong khoảnh khắc không lâu lúc mắt vừa thấy biển, vừa chạm màu nước xanh xao, thiếu nữ kia bất chợt lên cơn động kinh, ngã quỵ, chết ngất! Tương truyền, bấy giờ hòa trong Biển, có máu của người anh trai duy nhất của nàng bị hải tặc Thái Lan phân thây rồi ném xuống biển, và cả nước mắt của cô gái lúc bị làm nhục.
Đó không phải là câu chuyện hư cấu, mà là một câu chuyện thương tâm có thật đã được vẽ lại bằng tranh, dù với trường phái trừu tượng hay bất kỳ thủ pháp nào, thì Ann Phong đã thay cho Biển để tả hết nỗi trầm oan, vì người còn oán và thiếu nữ kia mãi mãi có ôm mối hận trùng dương? nhưng Biển đã trở thành nơi gởi gấm tâm tư, hoài niệm, dù có lúc lại gợi lên những ngày hãi hùng. Cho nên, trong cõi hình sắc của Ann Phong, người ta thấy ra niềm uẩn khúc của Biển, vẫn còn cưu man hàng triệu vong hồn lênh đênh, chẳng phải khát khao mọi thứ trái quả ngọt ngào, ngoài, đợi trông có một cuộc giải oan lịch sử!
Từ sau 1975, nếu có một dòng văn chương-nghệ thuật tượng hình của “thời lưu vong thất tán” xuất hiện ở hải ngoại, như cách nói của nhà phê bình Huỳnh Hữu Ủy*, thì tranh chủ đề “Nước Biển” của họa sĩ Ann Phong ở trường hợp này không chỉ biểu hiện sắc thái độc đáo của bộ môn nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại, mà thoát lên, ngôn ngữ của tranh bấy giờ là lời chiêu niệm cho một giai đoạn lịch sử điêu linh, đeo ám trên hành trình di tản.
Chỉ có những người đã một lần ra khơi, mới hiểu hết đời Biển. Người họa sĩ gởi đời mình trong tranh, hay ngược lại, tranh vẽ ra từ cuộc đời. Ann Phong và những gì thuộc về thế giới của “Biển”, không phải là thế giới chỉ có mặt nước xanh sóng sánh, lượn sóng trắng sáng nhấp nhô yên lành hay thịnh nộ. “Biển" của tranh Ann Phong, là cõi khác cho người ẩn trú, ngoài quê hương.
Quê hương có một thời như thế, văn học nghệ thuật Việt Nam có một thời như thế, người đã viết hoặc vẽ, bằng máu và nước mắt!
Mặc Cốc tháng 10, 2011
UYÊN NGUYÊN