Một số bìa sách của Họa sĩ Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp cho các nhà xuất bản Việt - Mỹ, nhiều nhất là cho nhà xuất bản Lá Bối của Thiền sư Nhất Hạnh (Ảnh tư liệu Hoa Đàm) |
Chiếc bóng của Cô Chú cứ lớn mãi, trùm lấp trên bầu trời Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam từ nhiều thập niên ở quê nhà và hải ngoại. Đó là cảm nhận trong chiều kích xa và rộng, giữa cái không gian bay bổng vời vợi của hai họa sĩ Nguyễn Đồng - Nguyễn Thị Hợp.
Trở lại chỗ tôi, chỉ vài thước vuông khiêm tốn bây giờ, chiếc bóng của Cô Chú không tân toan trùm lấp, mà đáp lại, tan loãng bao dung và tự tại. Mọi ồn động chung quanh cõi người nếu là bản chất của cuộc đời, thì những tâm hồn nghệ sĩ một lúc nào đó luôn khao khát tìm lại sự tĩnh lặng như một gia tài quý báu sẵn có trong chính mình. Đường nét và màu sắc của Cô Chú Đồng-Hợp, trong chủ hướng đó, biểu hiện rõ nhất qua loạt tranh Phật giáo Việt Nam.
Và chỉ trong phạm trù tranh Phật giáo tôi đang chia sẻ, đường nét của tranh họa sĩ Nguyễn Đồng - Nguyễn Thị Hợp dù đầm thắm cổ kính phong cách Á Đông trầm trầm mặc mặc, mà vẫn có cái gì luôn rất mới mẽ. Điều mới mẽ vốn không phải là cái khiến người xem thấp thỏm bán tín bán nghi về trình độ thẩm thấu khi đối diện trước vô số trường phái của bộ môn nghệ thuật tạo hình, hay phải cố vói tìm xa xăm những ẩn nghĩa của bức họa, lấp ló đàng sau những mảng màu và nét cọ được vung, phóng, điểm xuyết vô tận ở nhiều trường hợp của một số danh họa khác. Trái lại tranh Phật giáo của Cô Chú, tạo cho người xem cái cảm nhận về một thế giới TĨNH LẶNG và, ĐANG RẤT TĨNH LẶNG!
Vậy thì, cái mới mà tôi vừa nói vốn không phải là điều gì xa tầm tay với, vượt ngoài hiểu biết. Tranh của Họa sĩ Nguyễn Đồng - Nguyễn Thị Hợp, một cách nào đó đã dìu người thưởng thức về lại một cõi Uyên Nguyên, cũng chính là thời khắc HIỆN TẠI. Cái Hiện Tại trở nên sâu thẳm vô cùng bởi tâm thức con người thường hay lãng quên vì đời cơm áo.
Bìa sách "AM MÂY NGỦ' của thiền sư Nhất Hạnh; tranh vẽ của Họa sĩ Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị hợp. Lá Bối xuất bản |
Trong nhiều trường hợp, ngay cả, trước khi lật vào những trang sách của nhà xuất bản Lá Bối, mà tác giả là những bậc thiền sư danh tiếng, thì tranh của họa sĩ Nguyễn Đồng - Nguyễn Thị Hợp đủ khiến cho tâm người lắng xuống, nhẹ tênh, trước khi bước vào cõi trầm mặc siêu việt vô tận, nhưng sinh động, rực rỡ của thế giới văn hóa, nghệ thuật và văn học Phật Giáo.
Vậy thì, đường nét và sắc màu dân gian trong tranh hoạ sĩ Nguyễn Đồng - Nguyễn Thị Hợp, là ngọn gió đầu của THIỀN HỌA VIỆT NAM thời HIỆN ĐẠI!
Bìa sách "NÓI VỚI TUỔI HAI MƯƠI" của thiền sư Nhất Hạnh;tranh của Họa sĩ Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị hợp. Lá Bối xuất bản |
Tôi những mong và đoan tin là vậy. Bởi một vài thế hệ Việt Nam nữa sẽ lớn lên, trong và lẫn ngoài nước, khi tìm về bản thể nghệ thuật Phật giáo Việt Nam, không theo một thói quen thường cắp nhặt từ khuynh hướng Trung Hoa và Nhật Bản, thì trong sự nghiệp của bộ môn nghệ thuật tạo hình Việt Nam, hoạ sĩ Nguyễn Đồng - Nguyễn Thị Hợp, trên đường sáng tạo đi tới, vẫn không quên góp phần rất lớn gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa đặc thù ấy.
Ngay khi lúc này, họa phẩm của Cô Chú Nguyễn Đồng - Nguyễn Thị Hợp, đã là châu ngọc trong bão tàng Nghệ thuật Phật Giáo Việt nam rồi.
Giữa phố muôn màu, Bolsa tháng 3, 2011
UYÊN NGUYÊN
__________
Đôi nét về Họa sĩ Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp
Họa sĩ Nguyễn Thị Hợp:
Tốt nghiệp trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn năm 1964. Triển lãm cá nhân lần đầu tiên năm 1966 ở Taipei, Đài Loan. Từ 1968, tham dự và triển lãm đều đặn với nhóm Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, Sài Gòn. Năm 1979, cùng chồng là Nguyễn Đồng đến Tây Đức sinh sống, và đã cùng triển lãm tranh tại viện bảo tàng địa phương nơi định cư, Buchholz, một thành phố nhỏ ở gần Hamburg. Sau đó, triển lãm ở Bonn, Stuttgart, Munich và nhiều thành phố khác ở Đức. Từ 1982, triển lãm hằng năm tại Paris. Sang Mỹ năm 1985, đã bày tranh tại Orange Coast College, đại học UCLA, đại học Minnesota, Irvine Valley College, CSU Long Beach, Pacific Asia Museum, L.A. Artcore... và liên tục triển lãm thường xuyên hằng năm. Tham dự Triển Lãm One Ocean Apart do Viện Smithsonians tổ chức, lưu động qua các viện bảo tàng mỹ thuật của nhiều thành phố lớn Hoa Kỳ trong thời gian từ năm 1995 đến 1998. Đặc biệt chuyên về tranh lụa. Đã minh họa nhiều sách xuất bản ở Việt Nam, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Pháp, Đức, Anh và Hoa Kỳ. Qua những hình ảnh rất quen thuộc như mẹ con, trẻ thơ, hoa trái vườn nhà, những tàu lá chuối... người thưởng ngoạn dễ dàng nhìn thấy nơi tranh lụa của Nguyễn Thị Hợp một tình cảm thân ái và đằm thắm, như là cảm nhận một nụ cười vĩnh cửu của truyền thống, vì tất cả những tìm kiếm nghệ thuật mới mẻ và hiện đại đều đã được thanh lọc và diễn đạt lại trong những đường nét tuy rất giản dị nhưng tràn đầy bản sắc.
Họa sĩ Nguyễn Đồng:
Nguyễn Đồng theo học mỹ thuật tại một xưởng họa tư, và có một thời gian rất ngắn là sinh viên dự thính ở Trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn. Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm (ban Triết), Viện Đại Học Đà Lạt, năm 1965 và triển lãm tranh lần đầu tiên tại Sài Gòn trong cùng năm đó. Năm 1968, ông gia nhập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, nơi hội tụ nhiều họa sĩ trẻ năng động thời đó. Ngoài ra, ông cũng còn là một cây viết bình luận và phê bình nghệ thuật cho một vài tờ báo tại Sài Gòn, phần lớn là cho trang Văn Học Nghệ Thuật của Nhật báo Tiền Tuyến và sau đó cho Tạp chí Trình Bày. Năm 1979, Nguyễn Đồng đến Tây Đức sinh sống, tại đó ông đã triển lãm tranh tại viện bảo tàng địa phương nơi định cư, Buchholz, một thành phố nhỏ ở gần Hamburg. Năm 1981, làm việc cho một hội tư có tên gọi Vietnamesisches Kulturzentrum (Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam) ở Bonn (bấy giờ là thủ đô của Cộng Hòa Liên Bang Đức), ông tổ chức Triển Lãm Vietnamesische Kunst (Nghệ Thuật Việt Nam) tại Trung Tâm Văn Hóa Bonn; có lẽ đây là một triển lãm mỹ thuật tương đối có qui mô đầu tiên ở hải ngoại với sự góp mặt của nhiều họa sĩ Việt Nam đang sống tại Đức, Pháp, và Hoa Kỳ. Từ đó đến nay, Nguyễn Đồng tiếp tục triển lãm thường xuyên tại Pháp, Đức và Hoa Kỳ.