Tảng đá màu lam...

Tôi tán đồng và hỗ trợ ý kiến tổ chức một buổi họp mặt "áo lam" của anh Tâm Nghĩa Ngô Văn Quy ngay từ buổi đầu, bởi đơn giản nó là niềm ao ước của nhiều anh chị em GĐPT như tôi từng biết. Niềm ao ước đã có từ bao năm rồi!

Cho nên việc tổ chức này, xét ra đâu phải là việc riêng của anh Tâm Nghĩa Ngô Văn Quy mà những anh chị nào nếu, chợt, hoài niệm "nghe lời kinh xưa bỗng thấy thương thương màu áo..." thì đều có thể thấy đó là việc làm của chính mình. Nhất hạn là mấy anh em đã không còn cơ hội đến với đoàn mỗi buổi sáng Chủ Nhật, mà vẫn thương cái "tuổi Lam" ngày xưa...

Cuộc sống trôi qua từng sát na, mỗi chúng ta luôn giữ lại một chút kỷ niệm của tuổi ấu thơ hay tuổi học trò..., rồi riêng với những anh chị em từng khoác áo GĐPT, mình cũng sẽ giữ lại chút kỷ niệm của thời "tuổi lam" êm đềm, ở đó cũng có đủ chất vị của tình yêu và lý tưởng...

Hàng ngày đi giữa thị tứ Little Saigon, tôi vẫn thường được gặp mấy anh em từng có một thời là đoàn viên nhiệt tình của GĐPT, mà bởi nhiều lý do riêng khác, nay đã rời đoàn. Nhưng sau những lần chuyện vãn, câu chuyện kể nhau thì lại thường nhắc nhớ về khoảng đời Lam dễ thương dạo nào. Cùng đâu đóù lúc kết chuyện, tôi nghe vẫn thấp thoáng những tấm lòng tha thiết chưa nguôi. Từ ngày quyết tâm tổ chức đêm "Hạnh Ngộ Áo Lam 2009", anh Tâm Nghĩa Ngô Văn Quy không lúc nào không âu lo, thỉnh thoảng gọi tôi chia sẻ nỗi niềm trắc ẩn. Giữa thời cuộc phân tán hiện nay, đứng ra tổ chức một dịp gặp gỡ anh chị em của nhiều "hệ phái GĐPT" quả là "liều lĩnh", có khi là "hoang tưởng" và, không tránh được chút lòng ngộ nhận. Bởi thương thì có, chứ hiểu thì chưa chắc đã nhiều. Mà thiếu một trong hai yếu tố này, việc làm có thể hỏng!

Hình như cái "mốt" của GĐPT mấy mươi năm qua, thương thì đầy nhưng hiểu thì... ít ỏi quá!? Cho nên ở bất kỳ mọi quốc độ, mọi thời gian đều có sự hiểu lầøm mà... xa nhau. Rồi vì thương quá thương mà ngồi lại..., rồi lại có hiểu lầm mà... xa ra... cứ thế đã biết bao bận... Nên đã đến lúc cũng phải nhìn theo một hướng nhìn, rộng ra, và sâu hơn, là sự thể vốn có chung một cuộc xoay, biến thiên liên tục của dòng lịch sử, không phải của riêng GĐPT mà cả một hệ quả lịch sử thăng trầm của Đất nước, của Phật giáo Việt nam.

Cho đến nay, tôi đã hoàn toàn không còn nghĩ ngợi gì thêm về việc "hợp nhất", bởi sự hợp nhất trong GĐPT là việc chúng ta đã làm xong rồi, đứt khoát như vậy! Vấn đề còn lại là làm sao có thể nâng cao mức hợp thể trong mối sinh hoạt tương quan. Và mừng rằng, anh chị em vẫn đang công khó thể hiện điều này trong mỗi phật sự, để rồi đây, trải qua hết thời kỳ ly loạn đen tối, cái hay của GĐPT sẽ là, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, đã thể hiện cao đẹp tình nghĩa và lòng hiếu đạo đối với những Bậc Thầy tôn kính của mình. Chỉ thêm một chút thôi, là san sẻ tình cảm ấy giữa anh chị em với nhau, để hiểu rồi, thương nhau hơn.

Tối qua, nhân buổi cơm tối nhà bạn, tôi ngồi nghe hai chị em Nhạn-Xuân kể chuyện với nhau. Cô em vốn đã được gã cưới và ra riêng, thổn thức kể chị nghe những nỗi khổ tâm của mình khi phải đi làm dâu, mỗi ngày tất bật chăm lo cho Bà Cụ Chồng khó tánh. Người chị thương em, đem chút kinh nghiệm từng trải để mà hướng dẫn thêm, khuyên giải cách làm sao để em ăn ở cho đặng, tuyệt nhiên lại không gây thêm nỗi bức xúc khiến em có ý định "bỏ” chồng hay khinh xuất với Cụ Bà. Trước khi chấm dứt câu chuyện, người chị còn dặn dò em "nếu cần, chị cũng có thể chăm sóc cụ giúp em một phần". Tôi thấy hình ảnh ấy đẹp lắm!

Ở đây Giáo Hội, Tông Môn, Chùa, Tự và kể cả GĐPT tùy cơ mà hiệu hữu ở nhiều nơi, nhiều vô số, nhưng vẫn tôn thờ chung một vị Phật, nên đoàn viên GĐPT như là những anh chị em cùng phát nguyện trong ánh hào quang của đấng Từ Phụ, sẵn sàng gánh vách sứ mệnh "ác thế ngũ trược thệ tiên nhập", rồi cũng chính là điều phát nguyện với nhau cùng đi hết đoạn đường Sen Trắng. Nhưng đừng tượng hình con đường ấy chỉ có một mà theo thời buổi, có thể đã phát sinh ra nhiều con đường nhỏ khác, nhưng vẫn dẫn về một mối. Những ngày anh Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu còn sống, có lần tôi phàn nàn về thái độ cứng nhắc của vài vị trong cấp hướng dẫn, anh nói "lúc đi đường, gặp đá tảng to lớn không thể trèo qua được, tốt nhất cậu nên đi đường vòng". Nếu xung động, lời nói này có thể là điều khiến mình hiểu sai, nhưng trong ý nghĩa mà trưởng Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu nói, "đi vòng" là sự nhẫn nại, là sự khiêm tốn, và là sự tôn trọng giữa chúng ta. Cái hay của anh em GĐPT là chỗ này!

Giao thời nhiễu nhương, giữa những điều bất cập vẫn không thiếu những điều tốt đẹp đang được anh chị em GĐPT thể hiện. Xét ra, những điểm khuyết, tồi tệ, tuy ồn ào và khắc nghiệt, nhưng cái đó ít ỏi và chóng suy tàn. Tôi thường nghĩ theo chiều hướng này, để lạc quan, và tiếp tục tin vào lý tưởng mà anh chị em đang đeo đuổi.

Mấy hôm nay anh Tâm Nghĩa Ngô Văn Quy xin nghỉ bệnh, ở nhà, nhưng sáng nào cũng rủ rê tôi xuống quán cà-phê gần chỗ tôi làm việc ngồi hàn huyên tâm sự, câu chuyện vẫn đang xoay quanh ngày tổ chức đêm hạnh ngộ vào cuối tháng 5 này, anh vẫn còn ưu tư lo lắng, là lẽ tất nhiên!
Về phần tôi, tôi cũng gọi mời một số anh chị em quen biết, mà hình như có anh chị em vui vẻ hứa ngay, lại có anh chị em cần phải giải thích cặn kẽ mới được và, không thiếu anh chị em vì lý do này, hoặc khác, mang chút lòng phân vân... Đó là biểu hiện chính đáng của thời buổi bây giờ, mặc dù nhìn chung thì ai cũng tha thiết có một buổi họp mặt như vậy.

Cái tảng đá mà anh Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu nói trước đây, tôi tin là cái tảng đá nằm giữa lòng mình chứ không phải ở đâu khác, trong chúng ta ai cũng có thể khắc phục, vượt qua những chặng đường gian nan, nhưng có khi, lại mắc kẹt ngay với chính mình. Mà một khi mình cũng ôm giữ một tảng đá như thế, thì làm sao có thể "đi vòng", chứ đừng nói chi đến việc "vượt lên".

Thời của Anh Chị mình, nhọc công đem những tảng đá Lam xây nên ngôi Nhà Lam; thời của chúng ta, đang khắc chạm vào những tảng đá Lam này những hình ảnh sinh động để còn mong các thời đại về sau, thuộc thế hệ em mình, sẽ có dịp ngắm nhìn tòa công trình mà các bậc đàn anh đã tiếp theo nhau tạo nên, màø sự xấu đẹp đều có thể có phần trong cùng một thực thể, trong con mắt lịch sử. Bởi phàm thì làm sao có thể tránh được nhỉ, và nếu có chút khiếm khuyết thì đã sao!? Nếu toàn bích, việc gì cần đến sự tiếp nối!

Hẳn nhiên, tảng đá màu Lam là di vật, báu vật gia truyền, để mỗi chúng ta thay phiên nhau khắc chạm lên đó những hình ảnh đẹp đẻ, tươi vui, giúp những người đi quanh thưởng lãm sẽ trầm trồ khen ngợi. Và nếu có thể ví những tảng đá Lam hôm nay, như là cội Bồ Đề nơi mà đức Thế Tôn nhập định hơn 2500 năm trước thì, thành Đạo, xong, Ngài cũng đã cất bước vạn nẻo thuyết giáo, phổ độ chúng sanh.

Hoa Đàm thư quán 25/05/2009
 

Copyright © 2010 Uyên Nguyên All Rights Reserved

Design by Dzignine