Mặc dù xuất thân là sinh viên đại học Văn Khoa Sài Gòn niên khóa 1963-1964, lấy chứng chỉ chuyên khoa Lịch sử Triết học Đông Phương, song dòng văn và thơ của anh Phạm Quốc Bảo chân phương! Về sau, nét chân phương càng thể hiện rõ rệt qua nhiều tác phẩm mà Anh cho xuất bản ở Hoa Kỳ.
Tuổi trẻ Việt Nam lớn lên ở hải ngoại, ít nhiều khi tìm hiểu về văn hóa dân tộc, kể cả những tập quán văn hóa ở xã hội mình đang tiếp cận, chắc chắn luôn tìm thấy nơi không gian văn chương ấy là một dòng chảy nhẹ nhàng thanh khiết, mà thấm biến.
*
Lần đầu tiên vào tháng Sáu của năm 2003, Anh Phạm Quốc Bảo mang tặng tôi hai tác phẩm mới, do Việt Hưng xuất bản, một là tập “Thơ, hai mươi năm” và một là tập văn “Hồng Nhan Xuân”. Cũng từ tựa đề tập văn này, về sau đã gợi cho tôi cảm hứng sáng tác một bài thơ hai đoạn, lấy tên "Mê Khúc”, bài thơ ra đời trong một khung cảnh hết sức tình cờ, nhưng trong cái khoảnh khắc tình cờ đó, dòng văn thơ của Anh tự lúc nào bất chợt, vụt hiện, tự nhiên. Sự tự nhiên vì chẳng cầu kỳ và câu thúc trong thế giới ngữ nghĩa, hay hố thẳm triết lý mà, như Anh thổ lộ, trải gần chẳn đủ hai mươi tác phẩm của mình viết thành, chỉ là một cách biểu lộ tấm lòng, gọi là “nhẩn nha tâm sự với nhau”.
Chắc một điều rằng, cái vốn quý của một nhà văn, nhà thơ không phải ở sự giàu sang kiến thức và chữ nghĩa, mà chính là tư tưởng của từng tác phẩm tuôn chảy vào đời sống để góp phần làm đẹp hơn cuộc đời. Với chủ đích này, Anh Bảo đã chọn cách chia sẻ mộc mạc, thân tình, “nhẩn nha tâm sự”. Song người đọc có thể vì thế, mà đã đón nhận một cách thong thả.
Rồi, chẳng mấy ai ngờ, chính nhờ cái thái độ thong thả này, đã giữ cho mọi điều sốc nổi của cuộc sống vốn dẫy đầy biến động lắng dịu xuống, để cùng lúc cảm nhận ngay hương vị của hạnh phúc luôn sẵn có trong giây phút hiện tại:
“Người xưa đã dạy điều biện biệt
Ta nay lại sống quá vội vàng
Vậy nên dứt bỏ hoang mang
Cho lòng nhẹ nhõm, tâm chan hòa đời
Bình yên sống giữa chốn người
Bốn phương tám hướng lại chơi, nhã nhàn.
(NƠI TÔI Ở, 1999 - Thơ, Hai Mươi Năm - Phạm Quốc Bảo)
Vậy thì rõ rằng, Anh Bảo làm thơ, cả văn, dù khiêm tốn gọi là cách tiêu khiển thanh nhã, mà cứu cánh tối hậu là năng “tự cứu xét lại mình” (trích lời ngỏ của quyển KHUẤT RỒI MẤY BÓNG CHIM DI - Phạm Quốc Bảo, Người Việt xuất bản 2010), thì nghĩa là ngay từ căn bản, một người cầm bút khi viết xuống bất kỳ điều gì, trước lúc gởi gấm đến cho người đọc nói chung và giới hạn đối tượng nào mình muốn chia sẻ nói riêng, thì những điều tư duy đã được gạn lọc và cân nhắc. Nói một cách khác, nhà văn và nhà thơ Phạm Quốc Bảo luôn tôn trọng độc giả của mình. Thái độ cẩn trọng chỉ thường thấy ở một nhà mô phạm. Bởi nói cho cùng, công việc sáng tác, dịch thuật và biên khảo mà anh đã miệt mài suốt mấy thập niên qua, từ tác phẩm đầu tay “Chiến tranh và Tuổi Trẻ Phương Tây” do cơ sở Hồng Lĩnh, Sàigòn xuất bản 1969, đã xác định nhân cách và hành động của người làm văn hóa ngay từ buổi đầu.
Ở hải ngoại và riêng Hoa Kỳ, vai trò của những người làm văn hóa càng trở nên tối hậu, khi một hay nhiều thế hệ tuổi trẻ Việt Nam tiếp tục lớn lên, sung sức bắt rễ lên mãnh đất mới này, thì cội nguồn dân tộc luôn là điều thao thức của nhiều bậc phụ huynh. Và ngay cả một thanh niên khi đã trưởng thành, trong tự tính dân tộc vẫn là chất liệu luôn sẵn có hằng luân lưu trong huyết mạch, thì bất chợt một ngày sẽ tự hỏi về nguồn gốc của mình. Niềm thao thức thành hình, cho niềm hy vọng vươn xa. Song hy vọng chưa đủ nếu thiếu tiêu chí hành động, bắt đầu từ việc khai nguồn:
Xa quê nghiệm đất nước hiền
Đã thêm nhánh mới khắp trên địa cầu
một vài thế hệ mai sau
khơi nguồn chất sống sắc mầu Việt xưa.
(NƠI TÔI Ở, 2000 - Thơ, hai mươi năm - Phạm Quốc Bảo)
Nói một cách khác, điều gì khiến giải tỏa bớt những niềm thao thức đó ở những bậc phụ huynh Việt Nam; và câu trả lời như thế nào cho những trường hợp của một thanh niên luôn khao khát tìm về nguyên quán của mình? Tất cả chỉ là sự hụt hẫng, trống trãi nếu hôm nay thiếu hẳn đi những nhịp cầu nối cần thiết. Như thế thì dòng văn thơ của anh Phạm Quốc Bảo đã thật sự đến gần với độc giả, đến thật gần vì không chỉ thấm biến trên những trang giấy của 19 tác phẩm đã in thành tập, mà còn sống động ở những buổi lên lớp giảng dạy cho những khóa tu nghiệp sư phạm, nhiều sinh hoạt khuyến học của cộng đồng, hay những buổi thuyết trình văn hóa cho thanh niên sinh viên nhiều nơi trên toàn quốc, cả những bài báo chuyên chỡ các chủ đề thực tiễn giúp áp dụng vào đời sống xã hội.
Bây giờ, văn hay thơ, hay chính là sự trải nghiệm của nhà văn Phạm Quốc Bảo, dù man man hiển bày giữa trời Âu, mà vẫn đậm, thắm tình tự Văn Hóa Quê Nhà.
Một lúc, khi Văn và Người (là cái Tâm cổ sơ); hay nói cách khác khi Tác Giả và Tác Phẩm, và Không Gian Văn Hóa đã ứng thành một “gồm cả nay xưa”, thì mỗi tác phẩm của nhà văn Phạm Quốc Bảo, trong muôn sắc nếu có là bóng “hồng nhan xuân”; là làn “hương đêm”, là “thang thuốc”, là dấu tích Việt Nam trên đường hướng ra mọi phương trời cao rộng; hay bằng nhiều tên gọi khác nhau, thì điều hiển nhiên nhất của Anh là, với ngòi bút và giọng văn mộc mạc, đã dày công xây dựng nên một nhịp cầu cho hai nền văn hóa Đông-Tây giao thoa. Ở đó, nhất là tuổi trẻ Việt Nam khi trải bước lên sẽ tìm được những câu trả lời thực tiễn về vị trí của mình hiện tại. Song, vẫn ứng vào trong cái bao la lồng lộng Thể Tính Việt Nam, chẳng ngờ!
Năm mươi thế kỷ đào luyện chất Việt
Tung sức bật trên muôn phương ngàn hướng.
….
Qua sức sống người Việt
Đông Tây là nhau
Thành một.
(TUỔI TRẺ VIỆT CHẮP CÁNH CHO THẾ KỶ 21, 1998 -
Thơ, Hai mươi năm - Phạm Quốc Bảo)
Mặc Cốc, những ngày hạ tuần tháng 3, 2011
Chú thích ảnh: Nhà văn Phạm Quốc Bảo - Uyên Nguyên chụp ở sân sau nhật báo Người Việt