"Trong rêu xanh ngân ngật bóng sơn hà
Lướt hải phận về dưới trời cố quốc."
Viên Linh - Thủy Mộ Quan
Anh Ðinh Quang Anh Thái gọi tôi sang văn phòng, rồi giới thiệu với chị Carina Hoàng, tác giả quyển “BOAT PEOPLE”, nhân buổi sáng hôm nay chị vừa đến toà soạn để làm một cuộc phỏng vấn và quay hình cho chương trình TV online, mục đích chuẩn bị cho ngày ra mắt tác phẩm vừa kể vào thứ Sáu cuối tuần này ở phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt. Tôi xin chị ký sách lưu niệm.
Trước lúc đặt tay viết đôi dòng lên quyển sách mà chị cùng những người bạn đã thực hiện thật công phu, chúng tôi có dịp kể cho nhau một vài kỷ niệm kinh lịch của “người vượt biển”. Những câu chuyện tưởng lúc được nhắc lại, dù rất vắn tắt, mà vẫn còn ngùn ngụt ấn tượng trong tâm khảm của người đã từng trải qua những ngày, có khi là những tháng lênh đênh, lạc lõng giữa lồng biển khơi. Ở đó là khoảng bao la xanh biếc của những ngày im gió, nhưng mong manh, bởi bất chợt nhiều khi trời kéo mây đen nghịt, dậy lên những cột sóng vói cao ngất trời, lúc nào cũng chực phủ úp lên bao sinh linh ngơ ngác, nhỏ nhoi, bấy giờ tựa những chiếc lá rơi rơi vô định giữa khoảng không, hớt hãi cuốn cuồn theo gió.
"Thân phận người vượt biển", hôm nay lại hiện rõ lên giữa những trang sách mà chị đã thực hiện xong, những tấm ảnh và bài viết cô đọng đủ khơi lại một giai đoạn lịch sử Việt Nam buồn thảm! Người đọc và nhìn ra trong số hình ảnh khiêm tốn của “BOAT PEOPLE”, tất nhiên sẽ không thấy hết được một giai đoạn lịch sử tủi nhục và đau thương của một bộ phận dân tộc Việt Nam, từng bị những người anh em của mình đẩy xô ra biển sau ngày 30.4.1975; để cảm nhận hết cơn nhức nhối kinh niên của một cộng đồng người Việt lưu vong ở hải ngoại, trong mảy may sự chết vẫn phải chọn con đường vượt biển thoát thân để tìm tự do của hơn một phần tư thế kỷ trước.
"Lưu vực điêu tàn ở Biển Đông
Xương bầy như thú cháy rừng hoang
Nhưng rừng không cháy nào đâu thú
Người chết thân chìm Thủy Mộ Quan."
Viên Linh, Thủy mộ quan
Song, chỉ chừng ấy trang hình, chừng ấy những câu chuyện kể về người vượt biển và những mảnh đời tỵ nạn tiêu biểu có trong quyển “BOAT PEOPLE” này, phần nào cũng giúp người đọc, ở đâu đó, trong hay ngoài nước dù không có cùng một hoàn cảnh của những người trong cuộc, nhưng lúc nhìn sâu vào những trang sách, sẽ gợi lên hết nỗi kinh hoàng và niềm thống khổ của những "thân phận thuyền nhân Việt Nam", để mong còn kịp tìm đến gần nhau hơn bằng tình tự loài người, để xoa dịu đi phần nào những vết thương do một thời thiếu ánh sáng mặt trời trên quê hương Việt Nam, và một thời giữa lồng đại dương sâu thẳm… Những nỗi đau riêng của từng mảnh đời ấy, bấy giờ đã trở thành những vết thương lịch sử dân tộc!
Lịch sử cận đại vẫn ức đau những vết thương trên lưng Cha, Anh của một thuở nội chiến điêu tàn; và hằn thâm bao vết thương tủi nhục trên tấm thân của Mẹ, của Chị và Em thơ ở ngày trao thân ra biển. Biển hãi hùng hay tình người hãi hùng!? Mà trên đường lịch sử hôm nay, còn lại một vết thương tướm máu của cả một dân tộc bị đọa đày. Người đọa đày người!
"Trinh nữ trầm oan nổi giữa dòng
Thân băng ngàn hải lý về sông
Xung quanh không một người than khóc
Chỉ cá trùng dương theo hộ tang."
Viên Linh, Thủy mộ quan
Không còn niềm kiêu hãnh bằng những thành tựu cuộc sống lẻ bầy, và nước mắt sẽ còn mãi đong đầy nếu một ngày tình tự dân tộc bị lãng quên ngay chính trên quê hương, và thiếu vắng trong tâm hồn của những đứa con Mẹ Việt Nam tha hương, đang giạt trôi khắp bốn phương trời.
"Trên Huyết Hải thuyền trồi về một chiếc
Chiều bầm đen trời rực rỡ đau thương
Thân chìm xuống băng tuyền giờ tận biệt
Sóng bạc đầu hối hả phủ trùng dương."
Viên Linh, Thủy mộ quan
"BOAT PEOPLE" vì thế, từng trang với lời thuật lại của chính những người trong cuộc - là tiếng chiêu hồn của lịch sử điêu linh khiến người ta cảm thấy rùng mình; là tiếng thở dài não nuộc vọng lên từ lòng mộ địa trùng khơi, còn xoắn đau từng khúc ruột cho người đọc hôm nay, dù có hay không cùng một thân phận của "người vượt biển."
Bây giờ, người sống và kẻ chết còn nợ nhau vì những ngày lịch sử kinh thiên!
Mặc cốc, 9/2/2011
UYÊN NGUYÊN
Bài cũng đăng trên Hoa Đàm: http://www.hoadamonline.com/2011/02/uyen-nguyen-boat-people-vet-thuong-lich.html
Chú thích ảnh: Hình 1: Một phần tượng đài tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam, được thiết trí trong khuôn viên nghĩa trang Peek Family, thành phố Westminster, CA.; Hình 2: Nét chữ lưu niệm của tác giả. (Uyên Nguyên chụp)