Hình như lần nào về thăm Little Sàigòn, nhà thơ Trần Mộng Tú đều ghé đến tòa soạn. Từ chỗ tôi ngồi, nghe đâu đó giọng cười giòn giã, tự nhiên của Chị cùng bằng hữu qua một vài mẫu chuyện. Thảo nào, tôi nghĩ thơ Trần Mộng Tú vì vậy, nhất là những bài tưởng theo vần câu ba, bốn, hay năm, thì khi đọc nghe như một bài kệ nơi cửa Phật:
Tôi vào chùa
Qua tam quan
Phật ngồi im lặng
liễu bàng hoàng xanh.
Tôi vào chùa
lật trang kinh
ngón tay Phật chỉ
lung linh ánh vàng.
…
Tôi vào chùa
xuống hậu liêu
miếng cơm chay
cũng đăm chiêu… đũa cầm
Tôi vào chùa
Tâm phân vân
tiếng chuông
vỡ giữa thực, không đôi bờ…
(THỰC, KHÔNG ĐÔI BỜ, 1998)
Bài thơ quả thật tài tình, một cách thong dong, nhẹ, thơ chuyển động hai chiều từ câu ba, về thành sáu, rồi đóng lại ở câu tám, nghĩa là trở về nguyên thủy một thể cao dao óng mượt tình quê, nếu người đọc không ngắt câu như cách trình bày của bài trong tập:
Tôi vào chùa Tâm phân vân
tiếng chuông vỡ giữa thực, không đôi bờ.
Khi đi bụi phũ vai gầy
Khi về ôm một vạt đầy cánh sen…
(THỰC, KHÔNG GIỮA ĐÔI BỜ, 1998)
Mà dù đọc theo cách nào bài thơ vẫn giữ nguyên vẹn ý. Riêng đặc biệt trường hợp của bài thơ này, nếu phải theo cách ngắt câu chủ ý của tác giả, thì ca dao biến thể để lúc vừa đọc lên, phảng phất âm điệu một bài Haiku, câu chữ dứt khoát, ý từ cô đọng mà đủ cho ta thấy cửa Thiền thấp thoáng, bóng Phật như nhiên đĩnh tọa trên ba đào triền phược.
Phật ngồi im lặng
liễu bàng hoàng xanh.
Bất giác, nhành liễu mong manh xanh xao, tượng hình cho thân phận của người con gái Việt Nam, thơ vì đó mà chỡ đầy nữ tính như chính tác giả, đã dệt nên những câu thơ đẹp giữa lạ thường. Cái lạ thường tôi đang muốn chia sẻ là trong bầu không khí giãy đau của một dân tộc mà trên suốt dòng sử khai, dựng và giữ nước, dù vào thời cực thịnh, thì người Việt hình như lúc nào cũng sống với chiến tranh. Câu hát nghe quen như một dấu ấn khắc sâu trên tấm thân cong hình chữ S, thật chăng đã thành truyền thuyết truyền tụng trong dân gian: “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày, gia tài của Mẹ để lại cho con, gia tài của Mẹ, là nước Việt buồn” (GIA TÀI CỦA MẸ - Trịnh Công Sơn). Dù vậy, thơ của Trần Mộng Tú, vẫn cứ nồng nàn, nồng nàn ngay cả lúc vệt máu loang chưa kịp khô, trong cơn hấp hối, giữa sự mất mát bi thương ở những ngày khói lửa chiến chinh:
Em tặng anh tuổi ngọc
của những ngày yêu nhau
đã chết ngay từ đầu
em nhận được tin sầu.
Anh tặng em mùi máu
Trên áo trận sa trường
Máu anh và máu địch
Xin em cùng xót thương.
Chiến tranh không có mắt nhìn, kẻ thân - thù một lúc nào buông tay súng, là đôi môi không cười, bàn tay thôi nắm, là hình hài bất động, thì nghĩa là hết:
Anh tặng môi không cười
Anh tặng tay không nắm,
Anh tặng mắt không nhìn
một hình hài bất động
(QUÀ TẶNG TRONG CHIẾN TRANH, 1969)
Mà có hết không, hay vẫn còn lại người con gái Việt Nam chít kín vành khăn tang, xanh xao giữa tháng ngày như vạt cỏ phủ dầy trên những phần mộ mới:
Em tặng anh hoa hồng
Chôn trong lồng huyệt mới
Em tặng anh áo cưới
phủ trên nấm mộ xanh…
(QUÀ TẶNG TRONG CHIẾN TRANH, 1969)
Song, hình ảnh người con gái của Sài gòn thuở ấy hiện lên trong thơ Trần Mộng Tú, vẫn cứ dịu dàng, thanh thoát, ngây ngô. Lời thơ đầm đầm, người đọc nghe ra niềm đau rã rượi, mà vẫn đủ bình thản, không náo động như sự chết bất ngờ ùa đến, vừa cướp đi những người thân yêu. Sàigòn bấy giờ “… ngày ấy trắng toát khăn tang, những cô trẻ lắm mắt đầm lệ, theo tay ai dắt vào nghĩa trang” (CÓ PHẢI TÔI KHÔNG?, 2009). Và, vì Sàigòn của ngày chiến chinh , của những mùa trắng toát khăn tang, phố - người không còn sự chọn lựa, tên của cô gái cũng vì vậy đã được nhà thơ khẽ gọi là: "Trần - Thị - Chiến - Tranh”.
Người ta không chỉ tìm thấy vết tích cuộc chiến trên những khuôn mặt của người góa phụ, mà ở đâu đó trên từng góc phố im lìm như nỗi chết của vùng nắng trưa xích đạo, lập loè những ngọn nến như rừng lệ rưng rưng:
Buổi trưa trong thành phố
lười biếng chẳng ai làm
kẻ duy nhất chăm chỉ
người thợ đóng áo quan
…
Buổi trưa trong thành phố
Không tiếng chim bay đi
tiếng đau thương duy nhất
nến khóc trên quốc kỳ.
(TRƯA TRONG THÀNH PHỐ, 1970)
Rồi từ đó, giữa hoang tàn người ra đi, đi mãi không quay trở về, người ở lại từng ngày xanh xao quạnh quẽ. Quê hương khao khát hòa bình, niềm hy vọng lớn nhanh, khiến người từng đêm choàng dậy giữa những giấc mơ, ngơ ngác, nghe hòa bình là tiếng vọng xa xa:
Khi em còn bé dại
mẹ thì thầm lời ru
chiến tranh không còn nữa
khi con biết nói cười.
Em đã lớn khôn rồi
Và mẹ già theo tuổi
chiến tranh thì trẻ mãi
vẫn hấp dẫn loài người.
…
Em ngây thơ yêu anh
Mong đất nước hòa bình
tiễn anh vào lửa đạn
em còn nấm mộ xanh.
(CÁI BẪY HÒA BÌNH, 1970)
Lời đó thốt lên nghe có oán chăng, như góa phụ vừa mất người tình vĩnh viễn, song lời thơ của Trần Mộng Tú lúc diễn đạt thì nghe ra dạt dào, nhẹ nhàng và tỉnh táo:
Em mất anh vĩnh viễn
Hai ta mất mối tình
một mình em vướng lại
trong cái bẫy hòa bình.
(CÁI BẪY HOÀ BÌNH, 1970)
Bốn mươi năm qua rồi, giữa mùa tháng Tư, giữa muôn ngàn câu thơ của triệu triệu người ngút lời ân, oán. 40 năm hình như là, cuộc chiến, chỉ thay son đổi phấn trên quê hương tôi chứ chưa hề chấm dứt. Bộ mặt của chiến tranh, bấy giờ như lời nhà thơ nói:
Loài người không thành thật
Giăng cái bẫy hòa bình
để có cớ chính đáng
nuôi dưỡng mãi chiến tranh.
(CÁI BẪY HÒA BÌNH, 1970)
Vì hôm nay hòa bình rồi đó, hòa bình nhưng sao mà:
Em gọi mưa trên trời rơi xuống
Trời khóc thương anh khóc thương em
Trời khóc thương cả hai miền.
Trời khóc thương người Mẹ miền Bắc
sống cô đơn trong túp lều mục nát
thương những người con đi xẻ Trường Sơn
một ngày mẹ nhận được mảnh giấy Ghi Ơn
và xác con mất tích
hòa bình rồi mẹ chống gậy khom lưng
đi hỏi từng người
đường đến Đài Tổ Quốc Ghi Ơn…
Đất nước mình sao buồn bã thế
tiếng súng ngưng lâu lắm rồi
sao khói súng còn bay…
(TIẾC THƯƠNG, 2007)
Bấy giờ, trên quê hương tôi, người vẫn còn khao khát hòa bình, vẫn khản “gọi một hòa bình không có đích danh”. Bốn mươi năm rồi đó, chiến tranh đồng nghĩa hòa bình, như “cái bẫy”, chỉ được xem là loại mặt hàng mà những siêu cường quốc rao bán trên mảnh đất Việt Nam, nhưng được trả giá bằng xương máu của những đứa con cùng Mẹ.
Bốn mươi năm rồi đó, giữa trăm trang Thơ Trần Mộng Tú ( tuyển tập 1969-2009), còn vọng lên lời bi thống của những ngày Sàigòn trắng toát khăn tang, Sàigòn có ngàn ngàn cô gái mang tên Trần Thị Chiến Tranh. Song nét đẹp trong thơ của Trần Mộng Tú, giữa dư âm tiếng nổ rền khói đạn, của huyết lệ và lòng oán cừu chưa nguôi, thơ vẫn toát lên lời nhân ái. Ít ra cũng là niềm an ủi cho những NGƯỜI thật sự đã nằm xuống VÌ NÚI SÔNG.
Cuối cùng, chỉ riêng với tác giả, chiến tranh rồi hòa bình, cũng xóa mờ vào giữa một vết thương, "vết thương trong suốt" (LỜI MỞ của THI TẬP 40 NĂM)
Anh ạ! tháng Tư sương mỏng lắm
sao em nhìn mãi chẳng thấy quê
hay sương thành lệ tra vào mắt
mờ khuất trong em mọi ngã về.
(VẾT THƯƠNG, 1991)
Thơ của nhà thơ Trần Mộng Tú đẹp, vì thắp sáng lòng nhân!
Để đi vào giữa tháng Tư, Mặc Cốc, 2011
Uyên Nguyên
Chú thích ảnh: "gọi một hòa bình không có đích danh”. Uyên Nguyên chụp dưới phố Thiên Thần, mùa lễ Lao Động 2011.