CUNG VĨNH VIỄN, THƠ TỪ MIỀN CÔ LIÊU THÁNH HÓA









Suốt hơn trăm trang và ngót gần tám mươi bài, thơ Cung Vĩnh Viễn đọc lên nghe như tiếng thở dài, não nuột! Hình ảnh trong thơ chiết từ giọt mưa, giọt nắng; ánh thu vàng chiều hôm; một vầng trăng sáng lẻ loi dịu dàng hay ngọn gió lao xao chuyển nhẹ mùa, tỏa vào cõi thơ dấy lên một chuỗi sầu man mác, mà chung cuộc mong manh như áng phù vân, lãng đãng trôi bên trời lộng.

Thơ tôi giọt nắng, giọt mưa
nghe như gió nhẹ chuyển mùa xốn xang
ở trong hiu hắt thu vàng
lòng như chùng một phím đàn lạc cung.
(Thơ Cung Vĩnh Viễn)

Lời mới mở ra, người vội thố lộ, nỗi lòng mình là một phím đàn chùng, nên thơ vì vậy có lúc cũng bần bật đôi câu tứ khiến người đọc cảm nhận nỗi rứt ray. Có một niềm thống hối, cô liêu trùm lấp hết cõi thơ này:
Đôi lúc lòng ta chợt ngẩn ngơ
ta ơi trôi dạt đến bao giờ
Có còn nơi để về không nhỉ
và có còn ai vẫn ngóng trông


Như kẻ đam mê đã bội tình
vẫn còn nuối tiếc nghĩa ba sinh
nằm trong duyên mới mà trăn trở
hương lửa năm xưa chẳng của mình
...
Những khi tụ tập quanh bàn rượu
nhắc thời oanh liệt của hùm thiêng
giọng ca chất ngất niềm bi phẫn
tiếc mãi đường gươm đã thất truyền.
...
(Lưu lạc, tr. 7)

Mỗi sát na đang điểm giờ khép lại, những tấn tuồng lợi danh đã chán nhàm, mộng xanh như quả chín dú chết trong bồ hư huyễn, chợt thấy bóng đời đã phũ lấp màu hoàng hôn, bấy giờ thương gan chân bỏng bước hoang mang qua mấy nẻo đường trần, người lại muốn quay trở về chốn cũ mà loay hoay, tìm mãi một con đường. Câu thơ có nỗi gì nghe ức ách:
Màn nhung khép lại nghe tê tái
tự ta phong tỏa lối ta về.
(Lưu lạc, tr 7)

hay có một câu khác nữa cũng cùng tập:
Có chạy đằng trời ngươi chẳng thoát
thế trận ngươi bày hãm chính ngươi.
(Tiễn bạn, tr. 86)

Làm thơ như thế, là tự bày nên một cuộc lữ, mà cuộc lữ lại nằm sẵn trong chốn lưu đày phong tỏa hết lối ra. Nhà thơ như gã hành nhân cô độc lội ngược dòng đi tìm cố quận, cùng lúc để mong gặp lại cho bằng được cố nhân, dẫu có trôi theo vào giữa giòng lưu lạc mà vẫn còn nguyên chút của tin, rằng người xưa sẽ đợi, tình cũ còn nồng:
Đêm lấp dùm ta những bến bờ
để lòng không ngại nỗi đường xa
để tình không nhạt cùng năm tháng
để bõ công nhau đã đợi chờ
(Đêm, tr. 104)

Rồi khi đã vào cuộc mộng trường, một hôm lần soi bóng gương chợt nhận ra dấu mình chìm sâu dưới đáy hồn lưu lạc, chực ngẩn ngơ, ngơ ngẩn, thương thân tội tình mình là con kiến bò loanh quanh trên mấy nhành cây cụt, ngỡ ngàng tưởng đường chia mấy hướng:
Đã có lần đi tưởng rất xa
qua sông qua biển biệt quê nhà
nhìn quanh mới thấy ta là đã
đến một nơi mà chẳng gặp ta.
(Đi, tr. 12)

Có một cõi cô liêu trùm lấp bấy giờ vừa mở toang ra, rộng lòng không cả bốn bề hiu quạnh, ẩn trắc trong cõi thơ trầm Cung Vĩnh Viễn. Đất trích giờ này mấy người quen, cớ sao lòng mang mang hoài thiên cổ, chợt hận mình như kiếp cỏ cây không gốc rễ, cuối đời tầm gửi xót xa đưa:
Bao nhiêu hệ lụy còn vương mãi
từ những đêm đen lịch sử kia
bước xuống thuyền trôi ra biển rộng
là phó đời cho ngọn sóng đùa

màu da nước tóc như thầm nhắc
non nước người ta chẳng của mình.
...
là đã chia tan tình cố cựu
đâu ngờ mất mát cả mai sau.
(Tâm sự sáu mươi, tr. 45-47)

Xót!, xót cho mộng đã tàn hư huyễn, thời gian sững đứng trong gương soi, lòng thảng thốt huơ tay cố giựt lại bóng, lại thấy bóng sụp nhạt nhòa, hiện hình khuôn mặt của chàng trai trẻ thời oanh liệt hùm thiêng và những đường kiếm tuyệt chiêu xưa, giờ thì hom hem hóa thành ông cụ cổ lai thất thập. Tuổi già chóng như hoàng hôn buồn nghiêng mái thấp xuống đời, tựa một loại sinh tử phù cấy mầm sẵn vào trong thân thể, chỉ đợi giờ biến chứng mà thành căn bệnh mãn tính kinh niên:
Ta đứng chơ vơ giữa bóng chiều
tứ bề thọ địch với cô liêu

chắt chiu từ chút hương kỷ niệm
...
mót từng hơi thở để hồi sinh
(Nỗi buồn buổi chiều, tr. 72)

Còn có nỗi nào cô liêu hơn trong cõi thơ này, hình ảnh của ngọn gió cuối mùa cũng đủ thổi tốc lòng người tơi tả, đêm nghe lá rụng cuối vườn thấy nao nao. Kỷ kiệm bời bời đau âm ỉ chực lúc nhồi cơn đẩy máu chảy dồn lên tim nhanh như lũ, nhà thơ mấy lần tưởng mình chết dí nơi miền quan ngoại, phương trời lạnh lẽo lẻ loi chùm chăn nằm, húng hắng ho. Tiếng ho hen như nhịp đời đi xa lắc, mà tiếng buồn vọng lại trên mỗi đốt thời gian xoay mồng. Xốn sang xòe mấy ngón run đếm nhẩm tuổi đời vừa cạn, tựa dốc hết những cốc rượu tràn giữa đêm trường giải khuây:
Run tay ta rót vào ly rượu
mà ngỡ trường giang dậy sóng trào
...
Rót đau một chén mừng thân thế
đã rộ trên đầu tóc bạc phơ

rót ly tao ngộ bèo phiêu lãng
rót chén tương phùng mây nổi trôi

bao năm trôi dạt con thuyền mộng
sao vẫn chưa về với bến tâm?
(Đêm trường đổ rượu, tr. 39)

Đến đây, bài thơ gieo câu không trình tự nguyên thủy như ý tứ của tác giả in trong tập, vì nghĩ trước sau, sau ra trước, người đọc đã giỡ hết tập thơ sẽ thấy dù bất kỳ bằng động thái nào, thơ Cung Vĩnh Viễn là hình ảnh của gã hành nhân tha phương chân đang bước tới, mà tâm thì ngoái lui, cái tâm chỡ đầy ca dao Mẹ cho, mông mênh nghĩa tình hương lửa ba sinh. Bóng Quê và bóng Mẹ cứ chập chùng như đôi, mà khi được tin Mẹ già khuất núi là chớp bể mưa nguồn kinh động, khản tiếng chày kình nện biển khơi. Quê hương từ đây càng thêm ngàn trùng. Trong cõi cô liêu, nước mắt không đủ vừa và từng đêm chưa đủ tối đen, để kéo thêm chăn trùm lên kín mặt, miệng cắn miếng đau mà ngậm nhai trong cổ họng, nghe rõ ràng thêm những tiếng nấc, sâu!

Sàigòn, bạn bè, những tình nhân, chiết thành mỗi mỗi câu thơ sẽ đeo ám đời mãi, trong đêm đen mộng thấy mình là hồn ma bóng quế, thất thuể quay về tìm một chốn xưa:
Về, ngồi bên cạnh Mẹ già
thấy leo loét ngọn đèn xa cạn dầu
Về, cầm tay chị xanh xao
hai mươi năm lẻ giãi dầu nắng mưa


Về, ra đầu ngõ đứng chờ
kẻ qua người lại hững hờ thế thôi
Về, đi quanh quẩn dạo chơi
phố phường nhớn nhác đua đòi phấn hương


Về, thơ thẩn mấy con đường
xa xăm một thuở tan trường đợi em

Về, ngồi trong bữa cơm nhà
tôi chan nỗi tủi tôi và nỗi thương.
Sài gòn thắp một tuần nhang
bao nhiêu mộ chí hàng hàng trong tôi
người xưa cảnh cũ đây rồi
trong huyên náo thấy cuộc đời vắng tanh...
(Sàigòn, tr. 67-68)

Vậy thì, quê quán ở phương nào, người tình đã trôi dạt mấy trời dâu biển, bao nhiêu mùa xanh mắt luyến thương nay đã thành con nước chảy chân cầu, một khi ngoái lại, thấy trên đầu nhuốm màu muối sương:
Sàigòn buông suống cuốn cờ
bừng con mắt dậy xác sơ sàigòn
cái tên gọi cũng không còn
người đi kẻ ở ngậm hờn như nhau.
(Sàigòn, tr. 67-68)

Bấy giờ, người đã dừng chân trên mảnh đất chôn nhau, mà sao còn tự vấn lòng đâu những dấu tích quê nhà, lòng quay quắt tựa như gã Sở cuồng, tan mộng:
Tháng năm thôi đếm làm chi nữa
mộng tàn. Bóng lẻ. Biết về đâu
mây đục kéo trời sa xuống thấp
gió bụi mười phương lạc mất nhau.
(Bài hành sáu mươi, tr. 48)

Lạc mất người thương hay lạc mình. Cõi thơ Cung Vĩnh Viễn giẫy đau khúc ruột tằm với những giấc mộng khi đã luống tuổi, mà những tưởng mộng bây giờ đầy hơn một thuở son trẻ rạo rực lòng trai. Khác chăng, ước mộng không vẫy vùng, xung động, vì gã hành nhân đã thật sự chân đang bước tới nhưng lộ trình thì dẫn về chốn quê xưa:
Thì đi cho tận con đường thẳm
với ngậm ngùi thân với tuổi già
hỏi chiếc bóng buồn thiu thỉu ấy
đã dọn tâm mình cho tĩnh chưa?

Quê hương, bấy giờ đích thực là chỗ tâm mình, gã hành nhân như vừa thấy bến, nghĩa là đường đi ắt cũng gần:
Thôi thì
đêm cạn trăng tan
ở trên đầu núi
ánh vàng hắt hiu
tàn canh mộng cũng tiêu điều
cuộc nhân sinh
chiếc lá vèo
cuối thu.
(Sóng nước phù sinh, tr.146)

Cõi thơ cũng là cõi thiên thu, ở đậu. Thơ vĩnh cữu vì chuyên chỡ một tình yêu thánh hóa, nên thơ Cung Vĩnh Viễn không chỉ là tiếng khóc rêm rên giữa đêm trường mộng mị trên giòng thế tục hưng phế, trong miền cô liêu bức tử, thơ ông vẫn rộ lên những đóa hoa tâm ngát hương lượng cả, tỏa vào cuộc sống những hồi sinh.

Mênh mang dòng lưu thủy
chảy về bến sông Hằng
cuối cuộc đời mê mỏi
đưa ta về bến tâm
(Hương Ngọc Lan, tr. 42)

Thơ từ một cuộc dạo chơi gần hết vòng sinh tử, là âm bản của một cõi sống rất người. Thơ Cung Vĩnh Viễn mỗi ngày vẫn bao dung nở thêm những đóa lòng yêu dấu xưa, dù tuổi hạc đã vào cổ lai thất thập, hiểu rằng sống đời là không dễ!

Thơ Cung Vĩnh Viễn nếu đọc hết trăm bài, ý thơ như con chữ vỡ trên mặt kính vạn hoa, là những con chữ tròn thiết tha!

Mặc Cốc, tháng 10 năm 2011
UYÊN NGUYÊN


Bài đã đăng trên bán nguyệt san Quán Văn, số ra ngày 26/10/2011
 

Copyright © 2010 Uyên Nguyên All Rights Reserved

Design by Dzignine