VĂN CỦA TÌNH THƯƠNG LỚN!






Nhà văn Huy Phương (Ảnh: Uyên Nguyên)



Mấy ngày Tết vừa rồi, chú Huy Phương gọi rất sớm, lúc đó tôi cũng vừa vào đến văn phòng. Đầu dây chú chỉ nói gọn:
- Chút chú đến nghe...

Thế rồi chưa đầy nửa giờ sau chú đến, đặt nhẹ trên bàn tôi một giỏ quà, vẫn giọng Huế trầm và nụ cười hiền lành:
- Áo này không phải mua ở đây đâu nghe, mua ở Tây đấy.

Trong chiếc giỏ, tôi thấy một chiếc áo sơ-mi mới, chú mang tặng tôi làm quà Tết. Cùng với món quà nầy chú mang cho thêm mấy quyển sách đã xuất bản. Tác phẩm mới nhất của chú vừa cho ra đời là tạp ghi “HẠNH PHÚC XÓT XA”.

Tựa đề có ngộ nghĩnh lắm không, khi người ta chỉ chấp vào từ ngữ mâu thuẫn của nó. Hẳn sẽ hỏi rằng, cùng lúc đã hạnh phúc, sao lại có xót xa!

Song, cuộc đời vốn là một trận địa muôn trùng mâu thuẫn, sự mâu thuẫn trớ trêu và khủng khiếp. Người ta luôn luôn đi tìm một thứ hạnh phúc ảo tưởng, bằng sự bịa đặt ra thứ hạnh phúc theo cách mình đang có và, cầu an hưởng thụ trong chiếc vỏ đó. Hạnh phúc thật đấy! một kiểu hạnh phúc mà nhà văn Huy Phương gọi là xót xa. Bởi rõ ràng không có sự xót xa nào, bằng tự gạt dối chính mình!

Tạp ghi HẠNH PHÚC XÓT XA, ban đầu tựa đề có thể làm cho người đọc ngỡ rằng nhà văn Huy Phương đang kể lại những mối tình vụn vặt nào đó, qua những mảnh nhỏ đời sống riêng của một nhân vật hư cấu nào, song, cái hạnh phúc và xót xa thấy trong tác phẩm của chú, gắn liền với sự sống còn, thoi thóp của một dân tộc, quê hương bên kia nửa vòng trái đất. Hạnh phúc đó, cho đến bây giờ, những người còn để lòng nghĩ tới, hẳn canh cánh, xót xa.

Phần lớn, những tạp ghi của chú Huy Phương đều gởi trọn một tấm lòng chân thành và một trái tim rộng mở vào những trang giấy, những con chữ. Rồi bằng những trang giấy con chữ này, chú gởi gấm một nỗi lòng khắc khoải về với đất nước và con người Việt Nam. Ở đó, những mẩu chuyện rất thật trong đời thường, của những con người thật, thể hiện qua bút pháp của chú, tưởng là dung nhan của niềm hạnh phúc vậy mà, cứ thấp thoáng bóng dáng bao nỗi xót xa.

Sau nhiều tác phẩm từng cho ra đời trước đây như Nước Mỹ Lạnh Lùng (2001), Đi Lấy Chồng Xa (2006), Ấm Lạnh Quê Người (2007), Nhìn Xuống Cuộc Đời (2009), Những Người Muôn Năm Cũ (2010), và bây giờ là tạp ghi HẠNH PHÚC XÓT XA, người đọc nhận thấy ở tấm lòng như nhất của tác giả, là trách nhiệm không nguôi quên của một người lính VNCH đối với những đồng đội xưa; của một người Việt Nam đối với đồng bào mình và, trên hết, của một công dân đối với mảnh đất quê mình còn nghèo khó.

Vì vậy, những tạp ghi Huy Phương nói chung, hay tác phẩm HẠNH PHÚC XÓT XA nói riêng, là biểu hiện như nhất về nhân quan sống của tác giả giữa trận địa mâu thuẫn khủng khiếp của cuộc đời.

Văn của Huy Phương, giữa thời nào, là tỏ bày của một Tình Thương Lớn!

Mặc Cốc, ngày 01 tháng 03, 2011
UYÊN NGUYÊN


Vài hàng về tác giả HUY PHƯƠNG, tên thật Lê Nghiêm Kính, sinh năm 1937 tại Huế, từng là đoàn sinh Gia đình Phật Hóa Phổ Hướng Thiện do Sư Huynh Phổ Hòa hướng dẫn. Theo học các trường ở Huế cũng như Sài Gòn. Rồi đi dạy ở Quảng Trị. Động viên khóa 16 SQTB Thủ Đức, tốt nghiệp khóa SQ báo chí tại Hoa Kỳ. Từng làm biên tập viên Báo chí và Phát thanh, phụ trách tòa soạn Chiến sĩ Cộng Hòa và Tiền Phong của quân đội VNCH. Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến và Chính Huấn tại TTHL Quang Trung. Sau năm 1975 đi tù 7 năm và định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1990.
 

Copyright © 2010 Uyên Nguyên All Rights Reserved

Design by Dzignine