Căn nhà cũ

“Má nói như vậy là không đúng....!!!”

Chàng thanh niên cố giải thích cho Bà hiểu tường tận sự việc, nhưng Bà vẫn ngoay ngoảy không chịu lắng tai nghe. Sau câu nói này của nó, câu nói mà đối với Bà như là “gáo nước lạnh tạt vào mặt”, nên Bà nổi xung thiên quát lên ầm ĩ.

Và chàng thanh niên ngồi thu lu chịu trận ở một góc tối, nghe giọng Bà sang sảng:
“Tao nuôi mày ăn học, lớn khôn đến chừng này. Bây giờ mày đủ lông đủ cánh, mày cải cha cải mẹ phải không con, mày… mày…”

Ngừng một chút, Bà vồ lấy quyển sách mỏng trên bàn, phe phẩy như để đuổi đi cái nóng bức, hậm hực đang dâng lên trong lòng, rồi lại tiếp tục gào thét:
“Không được, tao nói là không được, nhất định là không được, mày không thể cải lời cha mẹ mày. Hãy nhìn gương Chị mày kìa, lớn hơn mày cả gần mười tuổi còn chưa dám cải nửa lời với tao. Còn mày, mày mới nứt mắt ra đã bày đặt lên giọng dạy đời tao à. Đồ hỗn hào… đồ mất dạy…”

Chàng thanh niên nhiều lúc nhướng cổ lên định nói điều gì, nhưng nghĩ sao rồi thôi, nó thu mình ngồi yên chỗ cũ, để cho Bà nói, Bà tiếp tục mắng nhiếc không tiếc lời với đứa con ruột của mình. Mà hình như sắc mặt nó chẳng đổi, không tỏ vẻ dửng dưng, nhưng cũng không tha thiết.

Nhìn sắc mặt nó lúc đó, là gương mặt của người đang chịu đựng, cho qua. Bởi hình như không khí này đã bao trùm căn nhà của nó đang ở mấy chục năm nay, từ thời Chị của nó, rồi đến nó, Bà vẫn không thay đổi thái độ, cách dạy dỗ, khuyên nhũ con cái đã có từ hồi còn ở quê nhà. Chòm xóm ở quanh khu vực này, dù không biết chuyện phải quấy thế nào, nhưng nhiều lần gõ cửa, than phiền sự ồn ào lộn xộn của gia đình nó. Lúc đó thì Bà yên lặng ngay, nhưng rồi chuyện đâu cũng vào đấy. Một tuần, hoặc nhiều lắm là một tháng, người ta lại nghe tiếng của Bà la mắng đám con.

Từ ngày Ông Cụ qua đời, trong nhà đã vắng vẻ hẳn ra. Rồi cũng đến lượt Chị nó gã chồng xa, lập nghiệp luôn ở tận miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Thỉnh thoảng thì chị mới có dịp về thăm Bà và nó một lần. Mấy năm đầu còn được một vài lần trong năm, rồi khi chị nó đã sanh con nở cái, sự lui tới, thăm hỏi thưa dần và nhiều khi một năm, tốt lắm chỉ được một lần duy nhất trong mấy ngày lễ lớn, còn không thì Chị chỉ gọi điện thoại thăm hỏi mà thôi.

Nghĩ lại cũng tội cho Bà, ngày ra đi là bỏ hết tất cả sau lưng. Khi đặt chân đến đây lại bắt đầu bằng hai bàn tay trắng. Vợ Chồng đã trải qua không biết là bao nhiêu khổ nhọc cay đắng mới gầy dựng nên một gia nghiệp như hôm nay, tuy không giàu xụ nhưng cũng không nghèo túng, và con cái bà không đứa nào không được bảo bọc để ăn học cho đến nơi đến chốn. Chúng ra trường đều đạt ưu hạng, nhưng có điều ưu hạng như thế nào, về nhà “nó vẫn là con”, cho nên “con cái mà cãi lời cha mẹ, nhất định là không đúng". Bà vẫn lập đi lập lại lời này như một câu niệm thần chú mỗi khi Bà rầy la chúng nó. Đến giờ Bà đã nhập tâm, nên nỗi, đụng một chút, việc phải quấy thế nào Bà không cần biết, mà chỉ đem điều đó nói ra theo quán tính tự nhiên, như là trường hợp của buổi sáng hôm đó.

Thiệt ra câu chuyện chẳng có gì, chàng thanh niên vốn chỉ muốn đưa ra một đề nghị với Bà là nên bán căn nhà này đi, rồi cùng nó dọn đi một nơi khác. Bây giờ nó là giám đốc của một công ty lớn, lương bổng cao, có đủ điều kiện để mua một căn nhà mới, tiện nghi hơn.

Tuy nhiên Bà không chịu, viện dẫn nhiều cớ, nhưng cái cớ duy nhất mà nó hiểu được là Bà vẫn còn quyến luyến căn nhà này lắm, dù căn nhà cũ kỹ, tù túng thế nào. Nhưng vì đây là căn nhà mà hơn hai mươi lăm năm trước, Ông và Bà đã cắt cũm dành dụm, khó khăn biết bao để mua về. Căn nhà này là nơi mà Ông Bà đã trải qua quãng thời gian đầm ấm, kề cận săn sóc, chia sẻ ngọt bùi với nhau cùng đám con dại.

Năm nay thì Bà đã 70, nghĩa là Bà đã ở đây với Ông gần nửa cuộc đời, nên đi ra đi vào dù không còn thấy mặt, nhưng với Bà đã ở chốn quen thuộc này lâu như thế, Bà thấy Ông như vẫn còn đang ở đâu đó bên cạnh Bà.

Chàng thanh niên nói mãi Bà cũng không chịu nghe, chọn giải pháp tân trang Bà cũng không muốn, nhất định là cứ để y nguyên đó cho bằng được. Bà sợ “động nhà, động đất" thì hương hồn Ông Cụ sẽ bỏ đi.

Cho nên Bà nhất mực bảo:
“mày có đi thì đi, tao không bỏ chốn này đi đâu hết. Đây là nhà của tao, của Ba mày… Thằng lỏi, mày có biết ở đâu mà mày có, ở đâu mà mày nên hình nên dạng như vầy… hở con…”. Bà lại tru tréo inh ỏi.

Chàng thanh niên cố gắng phân giải:
“Không phải đâu Má, con muốn Má có đời sống tiện nghi và tốt đẹp hơn thôi… Con muốn Má tuổi già có chỗ đẹp, chỗ mát mà hưởng phúc…”

Thế nhưng nói gì thì nói, Bà vẫn không nghe và chàng thanh niên cũng chẳng còn cách gì hơn, và mỗi lần như vậy, nó lại ngồi yên lặng để nghe Bà quở trách nó, nào là không hiểu Bà, thương Bà. Có khi lại nặng lời như kiểu cách sáng hôm đó vậy.

Thế là câu chuyện tưởng chừng trôi qua và không ai còn nghĩ ngợi gì thêm. Nó với Bà vẫn ở lại căn nhà này thêm nhiều năm, và thỉnh thoảng, người ta lại nghe tiếng Bà quát tháo, la mắng nó.



Nhiều năm trôi qua, một hôm bỗng thấy có nhiều xe cứu thương đỗ lại trước cửa nhà Bà, rồi mấy nhân viên cấp cứu hấp tấp ra vào căn nhà đó. Một hồi lâu, người ta đẩy Bà trên một băng ca màu ra trắng toát, trông dáng vẻ Bà xanh xao mệt mỏi. Mấy tháng gần đây Bà nhuốm bệnh, căn bệnh tuổi già càng lúc càng trầm trọng, sức lực Bà mỏi mòn, sự sống chỉ còn trông đợi ở mấy bọc nước biển, nhỏ giọt từng ngày. Chàng thanh niên dù bận rộn với đời sống, công việc riêng tư, xong hiểu lòng Bà, nên không chịu nghe lời những người hàng xóm để đưa Bà vào Viện Dưỡng Lão cho dễ bề có mấy y tá túc trực chăm sóc. Nó dư biết Bà ở khung cảnh xa lạ đó, sẽ cảm thấy vắng Ông, cho dù Ông chết đã hơn bốn năm trước. Và vì hiểu Bà như vậy, nên dầu sao nó vẫn cố gắng sắp xếp tất cả để Bà ở lại trong căn nhà này.

Lúc mấy người nhân viên cấp cứu đẩy Bà đi, chàng thanh niên cũng theo cạnh để ra tận đầu ngõ, tay nó không rời khỏi tay Bà và khuôn mặt nó trông đáng thương đầy vẻ lo lắng. Rồi cho đến khi nhân viên cấp cứu sửa soạn đóng kín hai cánh cửa để xe lăn bánh, Bà vẫn nắm thật chặt bàn tay nó, thều thào:
“Thằng lỏi, bây giờ thì mày muốn làm gì thì làm, Bố mày đi rồi, tao cũng đi rồi… mày liệu bề mà dọn đi ở nhà mới... của cải gia tài tao chỉ có chừng ấy, giữ đến bây giờ thì cũng là để lại hết cho mày… mày liệu mà sống…”, giọng Bà đứt quãng, nhỏ dần, thim thiếp chìm vào giấc ngủ nặng nhọc.

Cánh cửa xe đóng lại, những chiếc đèn đỏ bậc lên nhay nháy tạo thêm áp lực, sự hồi họp âu lo trong lòng nó. Nó đứng chết trân trước cửa căn nhà cũ kỹ, căng mắt nhìn theo chuyến xe hút xa.
Chỉ hai hôm sau, người ta hay tin Bà qua đời ở một bệnh viện trong thành phố, và căn nhà ngày xưa ồn ào tiếng quở nạt của Bà đã để trống, trở nên trầm mặc và yên tĩnh từ dạo đó. Chàng thanh niên có lẽ cũng quyết định dọn đi một chỗ khác, nhưng lại cách đôi ba hôm, người ta thấy nó trở về, chăm chút, sửa sang mấy việc vặt vảnh rồi ở lại thật lâu trong căn nhà này, căn nhà cũ kỹ mà đã nhiều lần nó đòi dọn ra trước đây, thì bây giờ, và vĩnh viễn nó không hề có ý định treo giá bán.
 

Copyright © 2010 Uyên Nguyên All Rights Reserved

Design by Dzignine