KHÁC CHĂNG, CHỈ LÀ THÁI ĐỘ





Như Nhiên (Ảnh: Uyên Nguyên, Santa Monica Beach)





"Này các Tỳ kheo nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, thời các người không nên hoan hỷ. Nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, mà nếu các người hoan hỷ, khoái trá và thích thú thời sẽ có hại cho các người." Lời truyền dạy này, một thời đức Thế Tôn đã nhắn nhủ với các đệ tử Ngài.

"Này các Tỳ kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, thời các người hãy công nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật: 'Như thế này, điểm này đúng sự thật, như thế này điểm này chính xác, việc này có giữa chúng tôi, việc này đã xẩy ra giữa chúng tôi.'" Cũng vậy lời truyền dạy trên, một thời đức Thế Tôn đã gởi lại cho các đệ tử Ngài, sau khi có người chỉ trích hay tán thán ba ngôi báu.

Lời truyền dạy nêu bật chủ điểm của đạo Phật một cách triệt để về vấn đề nhận thức hiện trạng thực tại của sự vật, không ngoài mục đích hướng dẫn chúng đệ tử lấy sự thấysự biết như thật làm nền tảng vững chắc cho đức tin.

Có một câu nói thế này: "chúng ta tin khi chúng ta không thấy. Khi chúng ta đã thấy, chúng ta không cần phải tin." Vậy thì như là lúc mình đang cầm giữ một hạt ngọc ở trong tay, tất nhiên mình có đủ sự nhận biết rằng mình có hạt ngọc là điều minh bạch, còn với người khác khi không thấy, thời hiển nhiên vấn đề tin sẽ được đặt ra. Niềm tin như vậy, không phải là thái độ nhắm mắt tin suông, nhưng đơn giản lại là sự trực nhận về mối liên hệ khắn khít giữa mọi sự vật. Nhưng trong phạm vi của bài này, người viết chỉ xin được nêu lên một góc độ khác, là thái độ bảo vệ niềm tin.

Không ít chúng ta một hoặc nhiều lần đặt niềm tin tuyệt đối vào những điều vốn, tự mình, bằng cách này hoặc khác, có cơ sở đáng tin cậy, và như vậy chúng ta có quyền bảo vệ điều đó như một sự nhận biết chắc thật. Nhưng thái độ tin của người Phật tử không phải là thái độ chấp trước vào bất kỳ một quan điểm nào, để rồi khinh rẻ các quan điểm khác cho là thấp kém. Vì cho đến quan điểm ấy, dù trong sạch, rõ ràng nhưng nếu chấp thủ vào nó, chẳng khác nào người học Phật mà không hiểu; vì giáo lý như chiếc bè chở mình qua sông chứ không phải để bám chặt lấy, "Nhất thiết Phật như pháp phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xã, hà huống phi pháp."

Khi tin và bảo vệ niềm tin của mình, người Phật tử không nên kết luận rằng: "chỉ có đây là sự thật, ngoài ra đều giả dối." Cho nên chúng ta có thể bày tỏ niềm tin, tín ngưỡng của chúng ta, mà không nhất thiết bài xích niềm tin hay tín ngưỡng của người khác. Đó là ý nghĩa đích thực cho thái độ bảo vệ niềm tin được giáo thị trong kinh điển Phật giáo.

Niềm tin, như vậy là một thái độ bình tĩnh và sáng suốt trước mọi phê phán và hành động, vì trải qua quá trình trải nghiệm nhằm đạt đến tầm mức thực chứng về thực tại của mọi sự vật, để cùng lúc bồi đắp một niềm tin cho chính bản thân, nhưng tất nhiên phải bắt đầu bằng sự phân vân và nghi ngờ trước mọi sự việc cần phân vân và nghi ngờ. Điều này cũng đã từng được nhắc đến trong lời dạy của đức Thế Tôn với các vị Kàlamas tại thành phố nhỏ Kesaputta của nước Kosala: "Này Kàlama, đừng công nhận điều gì do truyền thống đưa lại. Đừng công nhận điều gì do tin đồn đưa đến. Đừng công nhận điều gì vì điều ấy phù hợp với kinh điển của mình. Đừng công nhận điều gì do tưởng tượng đưa đến. Đừng công nhận điều gì vì điều ấy do người mình kính trọng tuyên bố;" nhưng làm sao để tìm ra đáp số cho những điều phân vân, nghi ngờ?

"Này Kàmala, khi nào các người tự biết những việc như vậy là bất thiện, những việc như vậy đáng chê trách, những việc như vậy bị người có trí phê bình trách cứ, những việc ấy khi tạo tác và thực hành sẽ đưa đến sự đổ vỡ và khổ đau, chỉ khi ấy các người hãy bác bỏ chúng. Này Kàmala khi nào các người tự biết những việc ấy là thiện, những việc ấy không đán chê trách, những việc ấy được người trí tán thán, những việc ấy khi tạo tác và thực hành sẽ đưa đến an lạc và hạnh phúc, chỉ khi ấy các ngươi hãy tuân theo chúng."

Rồi không dừng lại ở đó, là một thái độ khư khư với cái thấy, biết, tin của mình để làm ngơ, chấp nhận mọi sự kiện sai trái đang xảy ra chung quanh một cách khiếp nhược. Người có niềm tin sự thật, luôn bảo vệ nó bằng thái độ khoan dung và trong sáng, sẵn sàng nói lên sự thấu biết, nghĩa là làm rõ ra những điều không đúng sự thật, những điều không chính xác, không có, chưa từng xảy ra giữa mình và những sự việc liên hệ. "Này các Tỳ kheo, khi có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, thời các ngươi phải nói rõ những điều không đúng sự thật là không đúng sự thật: 'Như thế này, điểm này không đúng sự thật, như thế này điểm này không chính xác, việc này không có giữa chúng tôi, việc này không xảy ra giữa chúng tôi'".

Nhìn lại các đoạn Kinh chép ở phần trên, rõ ràng đức tin của người Phật tử không phải là điều gì áp đặt chắc nịch lên não phần của con người mà, là một thái độ nhận thức vô cùng sinh động trước mọi diễn biến của cuộc đời vốn, mọi sự vật đều có những liên hệ nhất định.

Rồi hình tượng, xuyên qua những lời dạy của Kinh một thời được đức Thế Tôn truyền lại, để thấy toàn cảnh sinh hoạt của cộng đồng Phật giáo Việt nam hải ngoại trong thời gian qua - từ góc nhìn tích cực, lạc quan - hiển nhiên là biểu hiện sinh động của mỗi hành vi xuất phát từ sự phân vân, lòng nghi ngờ và biểu hiện niềm tin chính đáng.

Khác chăng, chỉ là thái độ bảo vệ!

Hơn một phần tư thế kỷ trước, vào mùa Phật Đản PL 2509, tại Nhà Văn Hóa Sài Gòn ngày 9 tháng 5 năm 1965, Hòa Thượng Thích Minh Châu khi đọc diễn văn đã nói lên bối cảnh điêu linh của một đất nước trong thời chinh chiến cùng vai trò và trách nhiệm của mỗi công dân trước hiện trạng xã hội Việt Nam lúc bây giờ, rồi trước khi đóng lại phần phát biểu của mình, Hòa thượng đã đề nghị: "Theo thiển nghĩ của chúng tôi, chúng ta phải bắt đầu bằng một sự thay đổi thái độ của chúng ta đối với chúng ta. Nói một cách khác, giữa người Việt Nam, chúng ta phải biết kính trọng nhau, một sự kính trọng thành thật, bắt nguồn từ sự hiểu biết giá trị của con người, và chính sự tương kính này sẽ đưa đến sự thông cảm và hợp tác. Chúng ta kính trọng nhau vì tự con người là đáng kính rồi, chúng ta kính trọng nhau vì nếu người Việt Nam không biết kính trọng người Việt Nam thời ai mới kính trọng người Việt Nam nữa." (trích Tạp chí Nghiên cứu phát huy văn hóa Phật giáo và dân tộc - Vạn Hạnh số 1 - PL 2509)

Được chăng, bậc hậu học thiển cận, vụng về xin kính cẩn ghi lại điều này trong bối cảnh sinh hoạt của cộng đồng Phật giáo Việt nam hải ngoại đang lâm vào thời kỳ phân toái, giữa cảnh nước nhà nguy nan vì hiểm họa ngoại bang xâm lược kiểu mới; và Giáo Hội Mẹ còn quá nhiều bức bách..., như một gợi nhắc và, thành tâm trông cậy một thái độ phóng khoáng cởi mở đưa đến sự thông cảm, hiệp tác chân thành giữa hàng Tứ Chúng đệ tử Phật, vốn không phải là điều mới lạ mà là sở nguyện của chính Đức Từ Tôn.

Mặc Cốc 2011


 

Copyright © 2010 Uyên Nguyên All Rights Reserved

Design by Dzignine