Những hạt chuông ngân...

Gởi Tư và Lữ...


Chỉ chừng độ hai năm hơn gần đây, tôi làm quen với dòng văn của Tư và mới hơn nữa, rất gần, là văn của Lữ. Cả hai tác giả có một sức hấp dẫn mạnh mẽ, từ đó tôi tìm đọc văn của Tư và Lữ thường xuyên hơn, hình như là mỗi ngày.

Văn của Tư mộc mạc, gần gũi và điềm đạm, điềm đạm ngay cả khi Tư trách ai đó, hệt như một lần Tư viết:
“Các anh nhà báo mắng nhiếc và cạnh khóe nhau.
Tờ báo này cố gắng phủ nhận, nói ngược với tờ báo kia ở một vấn đề nào đó, họ tự hào là phong cách riêng, cái nhìn mới.
Và người ở báo này thì lườm nguýt người báo khác. Cho thấy trong lịch sử họ luôn không yêu nhau nhưng họ lặng lẽ để trong lòng, vì họ thấy rằng, chúng mình trên một chuyến xe. Nhưng bây giờ đã khác…
Tôi mừng vì biết được nhiều chuyện mà tôi không biết.
Bạn đọc mừng vì có được thông tin đa chiều.
Nhưng kẻ mừng hơn, đang ung dung rung đùi, là cái anh Ban Bộ Vụ, những chiếc đũa đang tự nguyện gãy, trong khi anh ấy đang tìm cách bẻ gãy bó đũa. Đỡ hết biết, khỏi mất công.
Anh Tham Nhũng cũng mừng, khi những đối thủ khó chơi nhất của anh bây giờ đang bận xoắn tay áo chuẩn bị lao vào nhau.
Tiếp tục đi mấy anh, sẽ thêm nhiều kẻ khác nữa, đang thầm mừng…”
(Tôi đã thấy - Nguyễn Ngọc Tư)

Sự kiện “cánh đồng bất tận” đem đến cho người đọc một gương mặt nhà văn nữ mới, còn rất trẻ với một tâm hồn bay bỗng, không chỉ ở không gian lồng lộng của văn, mà là không gian thật của đất nước, con người. Tư lãng du khắp nơi, ghi lại những hình ảnh sinh động đầy ấn tượng và, xuôi dòng văn, Tư đang ghi lại những điều rất bình dị trong cuộc sống, nhưng lại thừa sức làm cho chúng ta khắc khoải miên man về cuộc đời.

Ở giữa đất trời quê hương, giữa những người cầm bút ngày nay, suy nghĩ, đi đến tận cùng và nói tận lòng những điều trông thấy như Tư, hình như không dễ.

… Còn Lữ, Lữ viết văn xuôi cũng nhẹ nhàng như thở, thong dong như từng bước thiền hành mà mỗi đêm sau khi xếp quyển sách lại, tôi thấy an nhiên một giấc ngủ lành sẽ đến. Thích nhất là Lữ kể chuyện hai mẹ con chị Hạnh và bé Dung, chuyện anh Thành và những mẫu đời nho nhỏ khác.

Các diễn đàn văn học trên mạng giới thiệu văn của Lữ, thường liệt vào dạng “truyện cực ngắn” “truyện thật ngắn” hay “chuyện chớp”… Với tôi, những mẫu chuyện của Lữ dù đóng lại rất vội, tựa như gõ một tiếng chuông, tiếng chuông ngân nga rồi tắt bặt khi vị thiền chủ dùng chui đặt nhẹ lên vành chuông vậy, nhưng âm vang của nó chạm vào khoảnh trống mênh mông của tâm thức con người, lay động những hạt giống từ bi vốn sẵn có: “Anh Thành đi mua cam. Người ta bán cho anh một ký quít. Anh đem về nhà, ăn ngon lành. Tôi đến thăm anh, vui miệng hỏi: “Anh đang ăn gì vậy?”. Anh trả lời: “Tôi đang ăn cam. Mời anh.” Tôi cầm trái quít trong tay, ngạc nhiên nói: “Đây là trái quít.” Anh nói: “Lạ quá, rõ ràng tôi hỏi mua cam. Đây là trái cam đó anh.” Tôi mỉm cười.

Hôm khác, ghé anh chơi, lại thấy anh ăn quít. Lần này, tế nhị hơn, tôi hỏi: “Trái này là trái cam hay trái quít vậy anh?” Anh Thành nói: “Trái quít. Tôi đi mua quít, người ta bán cho tôi trái này.” Tôi cười: “Trái này y hệt trái hôm trước anh ăn. Vậy mà lần trước anh gọi nó là trái cam.” Anh nói: “Hôm trước tôi mua cam. Hôm nay tôi mua quít. Hai trái đâu có giống nhau.” Tôi lại mỉm cười.

Vào một buổi đẹp trời, tôi nói với anh Thành: “Tôi vẫn nghĩ là anh chưa phân biệt rõ ràng trái cam và trái quít.” Anh Thành nhìn tôi, nói: “Tôi quí anh và tôi thương những người ở đây. Họ cũng rất là thương tôi. Trái nào người ta bán cho tôi cũng đều thơm và ngon lành. Tôi thưởng thức tấm lòng đó của người trồng cây và người bán trái. Một ít hiểu lầm, nếu có, thì chỉ là nho nhỏ, như khác biệt giữa cam và quít mà thôi.” Tôi lại mỉm cười lần nữa, thấy thẹn. Một ít hiểu lầm cam quít đó, tôi vẫn cứ cho là quan trọng nên để lòng mình vướng bận hoài.”
(Cam quít - Lữ)

Văn của Lữ là những hồi chuông như vậy, cảm giác những lúc xếp sách lại, là lúc tôi lịm giấc cùng những hạt chuông ngân…
 

Copyright © 2010 Uyên Nguyên All Rights Reserved

Design by Dzignine