Vậy đó, nhưng mà... chúng ta đã học được bài học gì?

Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết!

Vậy đó, mà hình như chúng ta chẳng học được bài học ý nghĩa nào từ một trò chơi giáo dục do chính chúng ta hướng dẫn cho các em mình.

Dựa trên một bài báo mới đây của ký giả Nguyễn Trung Tín đăng trên báo Người Việt về đại nhạc hội “Hoa Lam” do GĐPT tổ chức, cũng như theo chỗ biết của cá nhân về một đại nhạc hội khác là “Bóng Từ Bi” cũng đã được tổ chức trước đó một tháng, mà chẳng ngoài ai hơn là GĐPT.

Xin được gọi chung là GĐPT như vậy, để tránh không nêu lên bất kỳ một thực thể điều hành GĐPT nào, vì một lý do rất dễ hiểu là mọi cơ cấu hành chánh hiện nay, đều trở nên đáng ngại, khi có sự đối đãi phân biệt.

Nhìn lại, cả hai đại nhạc hội đều ôm ấp một ý nghĩa thích đáng, và tấm lòng của những người đã trực tiếp cưu mang nó, cũng đáng trân quý biết bao. Nhưng khi gạt bỏ ra ngoài các khía cạnh kỹ thuật và nghệ thuật, nghĩa là đối với sự thành công hay thất bại, vẻ vang hay chìm lắng, thì cái còn lại phảng phất trong bài viết của ký giả Nguyễn Trung Tín, nêu bật một điều rất đồng cảnh ngộ của cả hai đại nhạc hội Bóng Từ Bi - Hoa Lam, là sức thu về mặt tài chánh thật giới hạn. Nó có thể là nguy cơ đưa đến sự thiếu hụt sau khi đã chi phí toàn bộ mọi nhu cầu đã ứng trước để thành hình buổi nhạc hội(?).

Trong một ý nghĩa nào đó, chúng ta nhìn nhận một sự thất bại trong việc gây quỹ, bởi mục đích chính là làm gì, là gây quỹ, có quỹ rồi mới nói đến việc làm ý nghĩa khác, như là cứu trợ chẳng hạn v.v…

Dẫu sao, theo tập quán “chịu đựng”, chúng ta cố gắng nêu lên những mặt thành công khác, tạm gọi là khía cạnh tích cực để “an ủi” cho những chỗ không tròn vẹn. Nhưng ở đây, thử làm một động tác nho nhỏ, để gợi lại một chút tình thâm, kèm theo là một chút trách nhiệm trong thời buổi ly lạc hiện tại.

Không thể quy trách toàn bộ câu chuyện lên trên hiện trạng phân hóa như hiện nay, nhưng phải chăng “sự chia rẽ” đã đóng một phần không nhỏ cho sự thành công của việc tổ chức đại nhạc hội. Ở cùng một địa phương, chỉ trong vòng một thời gian thật ngắn (1 tháng), vậy mà liên tục đã có HAI đại nhạc hội do MỘT tổ chức mệnh danh là GĐPT đứng ra tổ chức. Người ta đâu cần biết nội tình GĐPT ra làm sao, lâu nay chỉ thấy thương và tín cẩn có MỘT tổ chức gồm các Anh-Chị-Em Áo Lam thuộc mọi lứa tuổi thường xuất hiện trong cộng đồng chăm chỉ làm việc nghĩa, nhưng khi xảy ra sự kiện cùng lúc có hai đại nhạc hội thế kia, thì nghi vấn đã hình thành.

Do vậy, khán giả dù dễ dãi và vốn không quan tâm nhiều đến chuyện nội bộ GĐPT, khi được chào vé để ủng hộ, hẳn nhiên phải có chút phân vân, nên có khi vì thiện cảm với cả đôi bề mà tránh, nghĩa là chẳng ủng hộ bên nào hết là cách biểu hiện tế nhị, hợp tình và lý nhất trong bối cảnh hiện nay. Tệ hơn nữa, có khi đã không ngần ngại thay đổi hẳn lòng thiện cảm vốn có đối với GĐPT bấy lâu thành một sự bất mãn, biểu thị qua những cái lắc đầu ngao ngán. Điều này đau lòng, nhưng nó là sự thật hiển nhiên. Cho dù giữa Hoa Lam và Bóng Từ Bi mảy may không có một sự cạnh tranh nào đi nữa, thì cũng chẳng thể xóa mờ cái cảm nhận trực diện của mọi người quanh ta.

Cho nên, theo thiển ý của người viết, điều này chính là điểm thiết cốt để chúng ta ghi nhận về sự thành bại của mình, bởi lẽ cho dù cả hai đại nhạc hội Hoa Lam hay Bóng Từ Bi vừa qua, sức tiêu thụ vé đạt được hiệu quả cao và thu vào hàng tỷ bạc đi nữa, thì với hiện trạng phân toái như bây giờ, chúng ta vẫn mang lấy một sự thất bại ê chề ở cuối con đường chúng ta đang mải miết đi, con đường tẻ nhạt phân đôi đang đưa chúng ta về lối cách xa. Ở nơi đó, chẳng còn lại gì ngoài một huyệt mộ, chôn vùi lòng tin của đàn em và hơn hết là niềm tín cẩn của cộng đồng xã hội.

Cảm nhận từ những bài học thiết thân vừa qua, chia sẻ đôi điều với Anh-Chị-Em trong lá thư gởi bạn lam kỳ này (10), mà tâm nguyện thủy chung bất biến, là mong sao cho cội Hoa Lam vẫn mãi rậm Bóng Từ Bi…

Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết

Vậy đó, sao còn không mau "bắt bồ"

Trân trọng cám ơn sự lắng nghe và chia sẻ của tất cả.

TNA (hn) 19.01.2005
 

Copyright © 2010 Uyên Nguyên All Rights Reserved

Design by Dzignine