Lại nhân đọc “nỗi buồn tiếng Việt sau 1975” do anh Linh gởi
Tôi không biết đích xác ở những quốc gia khác trên thế giới, từng có cuộc nội chiến, thì sau bao nhiêu năm khói lửa điêu linh, người dân của những xứ sở này, trước sau, vẫn phải nhìn nhau và, nói với nhau bằng loại hình ngôn ngữ nào? Họ có đang bị lâm vào tình cảnh éo le như chúng ta hiện nay?Dân tộc chia rẻ trong mọi thời đại (!), cộng đồng chia rẻ ở mọi lãnh vực nhân văn (!) Chữ nghĩa bấy giờ cũng được đem ra mổ xẻ để biểu dương tính đối kháng, cốt không phải để phục vụ cho chiều hướng phát triển tích cực của khoa ngữ học xã hội, mà nó luôn nằm giữa những thái độ thuần tính chính trị.
Những người con của Mẹ Âu Cơ, một thời xuống biển và lên núi, lúc quay về thành thị nhìn nhau bỗng không thể nói và nghe ra được điều gì. Tâm trạng bấy giờ có ngậm ngùi không?
Chẳng trách Viên Linh, cuối khổ thơ Dư Tập - Thủy Mộ Quan, ông đã không nhắc có một tiếng nói chung mà, lại gợi lên hình ảnh nức lòng: tiếng khóc chung*.
Hôm nay, những biểu tượng tranh đấu cho dân chủ nhân quyền Việt Nam như Lê Thị Công Nhân, Mẹ Nấm v.v và v.v…, đang dùng ngôn ngữ nào để nói với thế giới về tình yêu của mình đối với một mảnh đất đầy thương tích. Tất nhiên phải nói bằng một loại hình ngôn ngữ xã hội mà họ đang quen sống, nhưng khác là, ngôn ngữ bấy giờ là hiện thân của Tâm Thức Nhân Bản.
Mẹ Nấm, Chị Công Nhân và còn nhiều gương mặt tranh đấu dân chủ khác nữa ở trong nước, sẽ chẳng cần phải dùng một loại hình ngôn ngữ định chế nào để bày tỏ cho thái độ chính trị của mình, bởi ngay chính cốt lỏi của hành động, họ đã thay thế cho hàng triệu người Việt Nam khao khát tự do hòa bình, trong đó có cả chúng ta, để nói lên một tiếng nói chung.
Mặc Cốc, 08/07/2010
*Sinh ở đâu mà giạt bốn phương
Trăm con cười nói tiếng trăm giòng
Ngày mai nếu trở về quê cũ
Hy vọng ta còn tiếng khóc chung.
(Thủy Mộ Quan – Viên Linh)