NGHỆ THUẬT CẢM THỨC HAY CẢM THỨC NGHỆ THUẬT TRONG TẠP GHI QUỲNH GIAO




Ảnh: Nguyên Nguyên


Viết với sự am hiểu chuyên môn cần thiết cho đề tài đã chọn[1], tinh tế nhận xét từng nhân vật của mỗi hoàn cảnh đặc biệt và viết với niềm cảm xúc, đam mê nghệ thuật lai láng, là hai yếu tố tạo nên sắc thái đặc thù trong Tạp Ghi Quỳnh Giao.

Khi đã đọc hết tuyển tập, chúng ta có thể nhận thấy tác giả có một tâm hồn tha thiết với âm nhạc, rộng hơn là hai bộ môn nghệ thuật khác như kịch nghệ và điện ảnh. Mỗi giai thoại liên kết những chuỗi sự kiện hình thành dòng cảm thức nghệ thuật sâu lắng, độc đáo. Độc đáo vì “cái hoa đẹp” không tự nhiên đẹp trong mắt trẻ thơ, nó nhất định phải bắt đầu ở sự nhận thức về giá trị thẩm mỹ được hấp dưỡng ngay từ thuở cuộn tròn trong bụng mẹ. Cho nên, về sau trên đường đời nếu vì những “cảm hứng” bất chợt dẫn mình qua những lối ngả, lãnh vực hay thế giới khác, thì nghệ thuật vẫn ngự trị trong tự tánh nguyên thể. Cái hoa đẹp ở trường hợp này không chỉ là đẹp thôi, mà còn phải tỏa hương thơm. Một đứa trẻ thấy hoa đẹp liền thốt lên “đẹp quá!”, nhưng khi đã nâng niu hoa trên tay lại muốn đem về cất giữ o bế, tơ tưởng khai diễn niềm mong ước sẽ còn ngửi được cả mùi hương quyến rủ triền miên. Nhưng lại không ít trường hợp ngọn cỏ hoang vu cũng mang vẽ kiều diễm dị thường, tuyệt trù hiện thân trong nhạc phẩm Phạm Duy là một điển hình:

“Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối. Rước em lên đồi, hẹn với bình minh. Đôi chân xinh xinh như tình thôi khép nép Hãy vứt chiếc dép, bước đi ôm cỏ mềm. Đồi êm êm, cỏ im im, ngủ yên yên, mộng ước rất hiền. Giọt sương đêm còn trinh nguyên. Nằm mê man chờ nắng sớm lên, rước em lên đồi tiên. Đồi nghiêng nghiêng, cỏ lóng lánh. Rồi rung lên, cùng với gió miền. Đồi thênh thênh, trời mông mênh. Cỏ chênh vênh chờ đôi nhân tình. Rước em lên đồi tiên…”

“Rước em lên đồi, cỏ thơm mùi sữaNíu em yêu ngồi trên bãi cỏ tơ. Giương đôi tay ôm thân tròn ơn mưa móc. Hãy xõa mái tóc, rũ trên vai anh mòn. Đồi quen quen, cỏ ngoan ngoan. Tưởng mơn man làn tóc rối mềm. Rồi nghe thêm lời van xin. Từ trong tim hoặc dưới suối tiên. Ngã êm trên cỏ hoang…”

“Cỏ hoang xao xuyến trên ngọn ngành. Đỏ như trong giấc mơ lung linh. Em ngoan như tình nồng, em bao la mịt mùng. Em thơm như cỏ hồng, em ơi… Em ngoan như tình nồng, em bao la mịt mùng. Em thơm như cỏ hồng, em ơi…” (Cỏ Hồng – Phạm Duy, 1970)

Vậy thì suy ra, Nguyễn Du đã từng có câu thơ: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ,[2] cho nên một nụ hoa dẫu đẹp, nhưng người mang tâm hồn tàn tạ thì hoa vì vậy cũng sầu héo theo, cuộc đời lúc đó là một bức tranh toàn xám. Vậy thì nghệ thuật là cái gì vượt lên trên cả chuyện thường tình chỉ thấy cái “đẹp trước mắt”, để trong cõi sầu muộn cảnh vật buồn lây dòng cảm thức vô hình lay chuyển từ cuộc lơ đễnh chán chường, đến một thế giới mà ta thường gọi là Chân-Thiện-Mỹ. Có một định nghĩa nào cho nghệ thuật không, khi mà lại có thêm một câu thơ bất hủ khác nữa: “Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một cành mai,[3] trong khoảnh khắc thời không Xuân tàn ấy, một nụ hoa nở muộn lại tượng hình cho sự vĩnh cữu, thì sự vĩnh cữu phải chăng chính là Nghệ Thuật, mà vĩnh cữu trong ý nghĩa thiết cốt cho Nghệ Thuật là khi tất cả niềm cảm xúc tương ứng kỳ diệu, lẽ thần giao cách cảm đã vào cuộc càn khôn mà thoát ra khỏi hạn hữu thời không. Nó chỉ thật sự có mặt vì lay động được vùng cảm thức mênh mông của tâm hồn. Nghệ thuật trong ý nghĩa đó, là tình yêu vô hạn.

Người nếu tiếc rẻ cho một đời hoa úa, thì cũng xót xa thay cọng cỏ hoang vu. Vẽ đẹp của hoa và cỏ trong vô lượng tiền kiếp, đề huề tương nhượng tràn lan trong cõi thái hư vắng lặng tịch mịch:
Ba mươi năm trước hiện tiền
Hình về hiện tại bóng nghiêng nghiêng đầu
Ở đời có được mấy đâu
Hoa thơm cỏ lạ thơm màu ngẫu nhiên
(Ở đời chút kỷ niệm cỏ thơm – Bùi Giáng)

Cái ngẫu nhiên là cái biểu tượng sơ nguyên, là vẽ đẹp được dựng lên từ bờ cõi đìu hiu tứ hải. Hầu hết sáu mươi bảy tạp ghi trong tuyển tập có một kết cục chung chung bằng ngữ điệu ray rứt vì nhân cách siêu việt của từng tác giả tác phẩm trong trận lăn lóc vuông tròn nghịch lý, đồng thời, người ta dễ nhận thấy Quỳnh Giao kể chuyện là một cách giải bày niềm hoài cổ của chính mình. Có lẽ vì vậy mà sách không có tham vọng của một sử gia hay nhà phê bình bài động, lung trạo và giả định chi phối thẩm mỹ, chỉ khiêm nhường gọi là tạp ghi (văn nghệ), nhưng lại không vì đó mà giảm đi giá trị thẩm quan nghiêm túc thận trọng vốn vì sự trân trọng gởi gấm vào cho nghệ thuật, trong đó bao gồm tác giả tác phẩm và tất cả chúng ta.

Quỳnh Giao đã viết bằng chất liệu “sống” nhờ đã bay lượn thang mây trên tầng trời nghệ thuật suốt nhiều thập niên, rồi hạ đáp bằng những “bước chân o bế bốn mùa.” O bế gì? tất nhiên là o bế cuộc tồn lưu xúc cảm tuyệt vọng éo le, từ nguồn cơn cao trào Đông – Tây kim cổ tràn xuống tê mê rồi băng băng qua bờ sa mạc vang lộng tiếng thế kỷ. Người vào cuộc hết mình cho nghệ thuật như khoác lên mình chiếc áo nhà tu cầu tìm giải thoát ban phát từ bi. Quỳnh Giao đã nắn niết ân cần với sự lay động sâu lắng của tâm hồn mẫn cảm yêu mến nghệ thuật tĩnh thức, nên các chuỗi sự kiện liên kết thành chiều sâu cảm thức đã mở cuộc tân thanh triền miên phơi phới rồi trở gót đi về giữa trận hương màu khảm kha vô số thượng thừa tài nghệ. Đành chịu trận cuộc chơi nghệ thuật có thể không nuôi chúng ta no, nhưng giúp chúng ta lớn. Qua tác phẩm tạp ghi của Quỳnh Giao mình thấy vì sao trong thế giới nghệ thuật từng có những nghệ sĩ mà bóng cả trùm lên hết bao thế kỷ, “hà thanh vạn lý dội về dư âm,” mãi cho tới buổi chung cục của thời gian.

Sau khi anh đã phát hiện ra tôi, thì sự tìm thấy tôi, không còn là một kỳ công nữa: cái khó khăn bây giờ là làm sao đánh mất tôi đi – Der Gejreuxigte
Nói cách khác, một nghệ sĩ lớn luôn tìm cách “quên mình” mà trong ý nghĩa của sự quên thuần nhất, là phụng hiến. Và nghệ thuật là, mỗi nghệ sĩ tự giải phóng ra khỏi “cái học chi li trường phái” sẽ miệt mài lục lọi tìm kiếm riêng mình chân lý trong lặng lẽ sáng tạo âm thầm của mối kiên tình say đắm đắm say.

Nghệ thuật cảm thức hay cảm thức nghệ thuật trong tạp ghi Quỳnh Giao vì vậy không phải là sự cảm thông lân mẫn với tác phẩm hay với người nghệ sĩ, mà chính ở niềm ngây ngất say mê nhiệt tình, đậm đà mối kiên tình đó để có thể viết xuống tràn lan từ năm này tháng nọ đến trở lại nọ tháng năm này.

Hạ tuần tháng 10, 2011

[1] Tác giả ‘Tạp Ghi Quỳnh Giao’: ‘Biết điều gì thì viết điều đó’ – Ngọc Lan (Phóng viên Nhật báo Người Việt)
[2] Kiều – Nguyễn Du
[3] Cáo tật thị chúng – Mãn Giác (滿覺), 1052-1096

Chú thích ảnh: Tạp chi Quỳnh Giao, Người Việt xuất bản 2011
 

Copyright © 2010 Uyên Nguyên All Rights Reserved

Design by Dzignine