Nhân đọc tuyển tập “Tưởng niệm người Du Ca Muôn Thuở”
do nhóm thân hữu cựu sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt thực hiện,
nhớ Anh Quang rồi nghĩ mông lung…
do nhóm thân hữu cựu sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt thực hiện,
nhớ Anh Quang rồi nghĩ mông lung…
Những tấm lòng bầu bạn mở ra, rồi xếp lại trong một tuyển tập nhỏ, dù chỉ tiêu biểu của muôn một mối giao tình giữa bằng hữu anh em, do giới hạn khiêm tốn để gom góp chỉ được vài mươi tiếng lòng thổn thức, nỗi niềm nhớ nhung những tưởng là rất bình dị, song lúc dâng đầy thì biến thành niềm tự hào, nhưng rất xứng đáng để dành trọn cho một người bạn xa bầy: Nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang, mất ngày 27 tháng 3, 2011 tại California.
Thôi thì, thôi thì Anh đi
lời vĩnh biệt như mùa Đông cuối
…
Dòng nhạc buồn như cánh nhạn đơn côi…
(Lời đầu sách)
Sự ra đời tuyển tập "TƯỞNG NIỆM NGƯỜI DU CA MUÔN THUỞ" như một tặng phẩm tình bạn, gồm những bài cảm niệm của nhiều Du ca viên, nhà văn, nhà báo, và phần đông là của những anh chị em Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt năm xưa. Sách trình bày mộc mạc, có vẽ không chuyên nghiệp vì chẳng chút tân toan. Người làm hẳn tự tại, bày biện chơn chất những tấm lòng như tiếng khóc không nén nổi giữa lồng ngực bật ra nức nở, trong thời khắc nghe tin Quang mất, biết chia lìa là thật!
Thôi thì, thôi thì Quang đi
Hơi ấm này còn sót lại bao lâu?
…
Vĩnh biệt anh, thì thầm lời nói cuối…
(Vĩnh biệt Quang - Lisa Cúc)
Tuyển tập "Tưởng nniệm Người Du Ca Muôn Thuở" do Nhóm Thân Hữu Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt thực hiện, 2011 (Ảnh: Uyên Nguyên) |
Đà Lạt một cõi thiên thu, mây phũ tầng tầng treo nghiêng trên những sườn đồi xanh xanh cỏ xanh xanh lá, lá lao xao những hàng thông lay lắt bóng tà huy, lung linh soi màu hiu hắt mặt hồ tĩnh lặng con nước trôi lờ đờ; Đà Lạt rong ruổi những con đường nồng xông lên hốc mũi, hương đất đỏ mấy con dốc quanh co trong phố núi núi cao thấp chập chùng; là xứ sở của những câu chuyện cổ tích tình yêu hồn hậu, nhưng sâu lắng thủy chung; Đà Lạt hoài niệm của những tâm hồn tuổi xanh mắt, thẹn thùng gái trai xuân thì dừng chân ghé lại hẹn hò; Đà Lạt bây giờ là Đà Lạt nhớ thêm, vì thoát thai trong vành nôi êm dòng nhạc đã để lại đời muôn thuở: nhạc Nguyễn Đức Quang, cậu sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt hôm nào.
Cho nên, nhớ Nguyễn Đức Quang là nhớ Đà Lạt, mà nhớ Đà Lạt thì bằng gì được say mê hát lại những tình ca Quang viết từ nơi chốn ấy, nhạc thay mẹ ru nhau tuổi sinh viên xa nhà buổi sáng sương mơ áo trắng giảng đường, đêm nằm nghe tiếng bom rơi không hẹn trước nơi nào trên mặt đất, chợt “trong đáy lòng thấy cần ai… Cần nhau trong lúc gió mưa. Cần nhau mang theo câu ca thêm hương thêm hoa cho vơi đi hành lý. Cần nhau cho tim ra khơi. Cần nhau trú chân cuộc đời. Cần nhau trong khi hăng say khi bi ai có thêm nụ cười… Ta trao nhau hương vị cuộc đời. Ta bên nhau đi dựng nụ cười. Ta nâng nhau đi trọn cuộc đời. Sau ngàn sau còn cần nhau…” (Cần Nhau – Đà Lạt 1967).
Mấy mươi năm qua từ lời nhạc ấy, một lớp thanh niên sinh viên đã lên đường, đi bên nhau, nâng nhau lên, cho đến ngàn sau;
Mấy mươi năm qua, cũng từ lời nhạc ấy, có những anh em đã quen lâu thành xem nhau như tình thâm cật ruột.
Tôi muốn nói về những người anh em trong Gia Đình Du Ca và hết thẩy bạn bè của Quang, nhưng không chỉ dừng ở đó, để nhân rộng hơn thêm như lời ca Quang nuôi lớn mãi tình yêu: “Còn nhau xin lo lắng đời nhau. Đời nay ta nuôi lớn đời sau…” (Cùng Nhau Xóa Niền Đau, 1967).
Cho nên, từ đây sẽ chẳng lạ rằng: “Là Du Ca, chúng ta luôn cố gắng sống như một công dân tốt. Nhưng không chỉ có thế là chúng ta tự thỏa mãn, chúng ta còn biết lo toan cho người bên cạnh, bênh vực cái hay, chống cái xấu. Chúng ta hy vọng sự trường tồn những ca khúc mà chúng ta đã và đang hát vang vang sẽ cung thêm nguồn sinh khí cho dân tộc Việt được cường thịnh. Du Ca còn mãi mãi và dân tộc vẫn trường tồn.” (Hoàng Ngọc Tuệ, bài đầu tập)
Hôm nay, không chỉ có một hay nhiều tuyển tập tưởng niệm Quang sẽ lần lượt ra đời; những đêm bằng hữu xa gần xum vầy ngồi bên hát suốt những ca khúc Quang sáng tác; và càng không phải vì mong được tán tụng một tâm hồn nhân cách nghệ sĩ, mà rất tự nhiên, nhạc Quang đã chuyển vận bãng lãng trong khí trời Việt Nam, thì người bây giờ hay mai sau, còn hát, hát như cần thở.
Nếu Đà Lạt là chiếc nôi êm ru dòng nhạc Quang lớn lên, thì Sàigòn đã chắp đôi cánh cho nhạc bay thêm cao, bay qua những vùng đất thương quê, nhạc Nguyễn Đức Quang đã lấm sâu vào giải phù sa, tràn lên trên sóng giang hà, có lúc lãng đãng như mây trên không… nhưng lại thu hết vào giữa tim người.
Vì sự thật thì hôm nay không phải chỉ có một thế hệ yêu dòng nhạc Nguyễn Đức Quang thôi, bởi niềm hy vọng vẫn cần được nuôi dưỡng, niềm tin còn mong được tô bồi khi Quê hương mấy thuở còn khốn khó. Nhạc Quang sẽ được hát lên như một hiệu báo dội lại từ ngàn năm sử lịch hạo khí Diên Hồng, trường giang con sóng sáng “gươm thiêng hào kiệt!”
Nhớ một năm Điếu Cày bị bắt vì,
tất cả cho “Hoàng Sa - Trường Sa”
Mặc Cốc, tháng 10, 2011
UYÊN NGUYÊN