TRẦN TRUNG ĐẠO, THƠ CHUYỂN LỬA LÊN ĐƯỜNG THẾ HỆ



1.
Biết anh Trần Trung Đạo đã nhiều năm, tuy cách xa, mà anh em vẫn đối với nhau rất gần, bởi từng tâm giao, gắn bó trong nhiều hoạt động. Hôm nay nói về thế giới thơ văn của anh, nếu nhận định đó là dòng văn chương sáng giá vì được nhiều bằng hữu tên tuổi trong giới văn nhân nghệ sĩ ưu ái nhắc đến đã từ lâu và, nhiều lần, thì chắc chắn là không có gì mới mẻ, rồi tất nhiên cũng không cần phải nói thêm, vì thừa thải. Tôi đoan chắc giữa thâm tình anh em, Đạo cũng không mong mình làm điều này.


Bây giờ, thơ Đạo, cả những bài thơ phổ thành nhạc được ngâm và hát nhiều trong những dịp lễ Mẹ; ở những lúc sinh hoạt thanh niên, sinh viên; hay thường nghe thấy vào những ngày hoạt động tranh đấu, cộng đồng; và thơ Đạo cũng được làm thành những câu thư pháp đem treo ở nhiều nơi…; nên thơ Đạo vì vậy, đã không khu trú địa phương, mà mỗi ngày tỏa lan, đi xa




Chừng năm năm trước, tôi có duyên giúp anh trình bày tác phẩm ‘Tiểu luận Trần Trung Đạo,’ rồi sau khi hoàn tất, anh gởi tặng tôi một ấn bản để làm kỷ niệm. Tôi đã trân trọng cất giữ không chỉ vì mối giao tình đã có, mà vì, tâm bút Trần Trung Đạo, đã thay cho một lời hứa giữa anh em. Với tôi, toàn cảnh sự nghiệp văn chương của Đạo, là sự chuyển ‘lửa’ lên ‘con đường thế hệ’ mà anh em trẻ khắp nơi, trong và ngoài nước rồi sẽ kinh qua:

Đường chúng ta đi qua những giòng sông
nước của quê hương vẫn chảy một dòng
dù trăm nhánh sẽ xuôi về một bến
Nước Hồng Hà nối lại mạch Cửu Long.

(Đường chúng ta đi hôm nay, tr. 217)


Trần Trung Đạo viết văn hay làm thơ, như một cách tỏ bày tấm lòng kính trọng đối với Tiền Nhân, cùng lúc là bày tỏ niềm quý trọng, tin tưởng vào những thế hệ tuổi trẻ Việt Nam, trước sau gói tròn trong tấc dạ thủy chung của chính mình.

Đối với Lịch sử Tiền Nhân, thơ Đạo tha thiết:
“Ôi lịch sử một vầng trăng diễm tuyệt
Sáng trong tôi nét đẹp muôn đời”

(Về thăm lịch sử, thơ Trần Trung Đạo, tr. 160)


Rồi có khi tiếng thơ là cõi lòng đau đáu, trở trăn khi nhắc đến dòng sử lịch kiêu hùng của bao tấm gương lẫm liệt Cha Ông, mà lúc nào Đạo cũng luôn đặt trọn niềm kính ngưỡng và tin như một chân lý bất biến:
‘Dù cay đắng nhưng vô cùng diễm tuyệt
Tổ tiên ơi con nhớ mãi ơn người’

(Những người ở lại với non sông, tr. 188)


Còn với tuổi trẻ cùng con đường thế hệ, thơ Đạo trải mềm câu ân cần, mỗi khi đọc lên nghe cảm thấy thật gần, mà khi bắt chung tầng số, nghĩa tình thoáng chốc đã thành thủ túc:
‘Đường chúng ta đi đầy những gian nan
Ráng nghe em đừng ngại những điêu tàn
Như đất nước qua những ngày giông tố
sẽ vươn mình sừng sững đứng hiên ngang’

(Đường chúng ta đi hôm nay, tr. 217)


Từ góc nhìn của mình, tôi nhận ra trong dòng thơ văn của anh, nguồn sinh lực sung mãn của tuổi trẻ đang chuyển động mạnh mẽ, bởi trong thế giới thơ văn của Đạo, có ‘lửa’, bừng sáng và ấm cúng, đủ sức lan tỏa và thấm biến vào mọi tấm lòng có chung một nỗi ưu tư về đất nước – con người Việt Nam, đó là một thế hệ nhận định sáng suốt những giá trị của lịch sử dân tộc, để từ đó thể hiện bản lĩnh chuyên chở sứ mạng lịch sử đi tiếp những ngày tới. Mối ưu tư của anh Trần Trung Đạo, hòa thành ‘lửa’ của thế hệ, như có lần nhà văn Lôi Tam đã nói:‘Mọi người Việt Nam lưu lạc, dù thành công hay thất bại, đều mang chung một thứ tâm bệnh. Đó là cái mặc cảm của kẻ biết mình còn món nợ chưa trả. Mà làm sao có thể trả hết những món nợ ân tình. Tiếng cười của Mẹ, ánh mắt của Cha, lời giáo huấn của Thầy, những đùm bọc cưu mang của quyến thuộc, bằng hữu… Rồi vời vợi trong ký ức còn có hình ảnh con đường cũ, mái trường xưa… Tất cả quyện quấn, đan kết thành chiếc nôi êm ái. Chiếc nôi (mà chúng ta vẫn gọi là quê hương) đó là bảo vật và sẽ phải còn đó cho muôn nghìn sau. Được lớn lên trong chiếc nôi tràn đầy nhân ái là điều diễm phúc. Nhìn thấy nó bị hủy phá, khinh thị bởi lớp người cai trị bạo tàn là điều bất hạnh. Mặc cảm trốn nợ càng lớn khi thấy mình dường như vẫn nhởn nhơ vui sống trước điều bất hạnh đó. Trần Trung Đạo không làm thơ cho một mối tình. Anh viết lên thành thơ nỗi dày vò vẫn thường xuyên ám ảnh chúng ta.’


Nhưng, đó không phải là nỗi dày vò ám ảnh trong thơ văn chiêu niệm, hoài cổ, mơ màng nằm im trên giá sách, Đạo vượt lên hạn giới đó bằng chính những hàng động bươn chải, bôn ba khắp đó đây gặp gỡ anh em cùng tâm huyết, cùng chia sẻ nỗi niềm thao thức căng đầy nhựa sống và niềm tin vào khả tính dân tộc của 4000 ngàn năm sử lịch văn hiến. Tôi vẫn thấy Đạo gần đây năng lên đường hơn, hơn cả lúc anh còn thừa sức khỏe ở buổi đầu tuổi xanh xuân. Thơ Đạo vì vậy như vết dầu loang, mở đường cho ‘lửa’ trườn tới.
‘Anh đã nguyện đi trên đường thế hệ
sẽ không buồn vì có các em theo
đi đi nhé chẳng bao giờ quá trễ
để muôn đời lịch sử tiếng thông reo.’

(Trên con đường thế hệ, tr. 219)

Mà không chỉ có thơ thôi, ý chí sắc đá chảy tràn trên những trang văn, niềm tin lý tưởng reo theo mỗi con chữ làm thành tâm bút, Đạo đã viết những bài tiểu luận như trạm lên da thịt anh những nỗi đau hằn của quê hương, để dặn lòng mình phải khắc cốt ghi tâm, nhớ rằng ‘Con có một Tổ Quốc’ và, ‘Hãy vững tin vào Lịch Sử.’ Hầu hết những bài tâm bút, Đạo đứng lên với tuổi trẻ, đứng về phía tuổi trẻ thời đại trước sau một cuộc nội chiến, mà nói hết những tâm tình của tuổi trẻ chúng ta và, Đạo đã nói ra hết nỗi lòng trắc ẩn của anh em, một cách thiết tha:
“Chưa bao giờ đoàn kết trở thành một khẩu hiệu quan trọng và phổ biến như bây giờ. Trong nước hô hào đoàn kết và ngoài nước cũng hô hào đoàn kết. Mặc dù hoàn cảnh chính trị khác nhau và nhằm hai mục đích khác nhau nhưng đều nói lên sự thật chia rẻ và phân hóa trầm trọng trong lòng người Việt.

‘Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết’ có lẽ là một trong những câu châm ngôn đầu tiên chúng ta học từ khi tập đánh vần tiếng Việt. Đó không chỉ là một danh ngôn, một lời khuyên đạo đức, một nguyên lý xã hội ai cũng phải công nhận là đúng, nhưng còn là một kết luận được ông cha rút ra từ những hy sinh xương máu để chống lại các triều đại Bắc phương hùng mạnh gấp trăm lần. Dân tộc Việt Nam đã từng có nhiều lần và nhiều thời đại vô cùng đoàn kết. Từ Như Nguyệt[1], Lũng Nhai[2] đến Bình Than[3] , Diên Hồng[4], Bạch Đằng [5], hùng khí của lời thề ‘đoàn kết chống xâm lăng’ như vẫn còn vang vọng đến hôm nay. Nếu không có sức mạnh đoàn kết đó, ngày nay Việt Nam đã không có mặt trên bản đồ thế giới như một quốc gia.

Câu châm ngôn đó, suốt ba chục năm qua, cũng đã được lặp đi lặp lại nhiều lần. Trong nước, gần như trong mọi nghị quyết, pháp lệnh, diễn văn của các cấp lãnh đạo bao giờ cũng bắt đầu và chấm dứt bằng lời hô hào đoàn kết, dĩ nhiên đoàn kết sau lưng đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam.

Tại hải ngoại, lời chào đoàn kết gần như một thủ tục nhập đề và kết luận một cách tự động trong mọi diễn văn khai mạc, tuyên ngôn, tuyên cáo của các hội đoàn, cộng đồng, nhân sĩ, trí thức. Lời kêu gọi đoàn kết cũng được gióng lên trong bài giảng, trong lời cầu nguyện cho quốc thái dân an của các vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo.
 
Thế nhưng, sau 30 năm, người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, vẫn chưa thật sự trở thành khối đoàn kết có khả năng thay đổi vận mệnh của chính mình. Tại sao? Phải chăng dân tộc chúng ta có truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm nhưng không có khả năng hóa giải nội thù? Phải chăng dân tộc Việt Nam có truyền thống bảo vệ đất nước nhưng không có khả năng xây dựng đất nước? Không, tôi không nghĩ thế. Người Việt Nam chưa đoàn kết bởi vì chúng ta chưa từng tắm chung trong một dòng tâm thức Việt Nam, chưa cùng chia sẻ một suy nghĩ về tương lai và chưa thấy giống nhau khi đối diện với những nhu cầu chung của đất nước mình. Như người ta thường nói: ‘Yêu nhau không chỉ nhìn nhau nhưng cùng nhìn về một hướng,’ chúng ta thương yêu nhau nhưng chưa cùng nhìn về một hướng…” (Lời ngỏ – ‘Tâm bút Trần Trung Đạo’)

Đến đây, có nên thôi không, vì giới thiệu về thơ và tâm bút Trần Trung Đạo, nghĩ chẳng gì bằng việc trích gởi đến độc giả trọn lời bộc bạch của anh đã phổ biến 2005, như trên.

Sau năm 1975, thế hệ tuổi trẻ tôi đã bị chối bỏ trên quê hương, phải chọn lựa mấy cách ra đi mà ở trong bối cảnh thời buổi thay ngôi đổi vị, cách đi nào cũng khốc liệt. Tuổi trẻ Việt Nam mấy lớp lên đường nhưng có biết bao anh em chưa kịp đến nơi, được nhìn thấy miền đất hứa, thì đã chôn thân trên con đường lý tưởng, quê hương bấy giờ vỡ bùng một lý tưởng cho người khao khát lao vào sinh tử đi tìm, là ‘tự do.’ Rồi gần nửa thế kỷ sau, cũng một thế hệ tuổi trẻ lớn lên tưởng đã yên ổn, nhưng cũng đang bị chối bỏ ngay chính trên quê hương mình, cũng khát khao cùng một lý tưởng, ‘tự do.’ Rồi không biết người của bao thế hệ trước và sau, ở trong hay ngoài của hai bờ đại dương cách trở, có thấm chung nỗi đau của họa vong quốc[6]; có chối bỏ nhau giữa những đứa con cùng Mẹ, nếu một ngày đã về tắm gội chung một dòng Tâm Thức Việt Nam:
‘Ai khua tiếng kẻng vang rừng núi
lửa trại chưa tàn đã trắng đêm
hai chục năm dài non nước ngủ
làm sao đánh thức được anh em.’
 

(Tiếng kẻng trại, tr. 229)



2.
Hẳn có người đã cho rằng, ‘đám nhà văn nhà thơ’ đầu óc để ở trên mây, nói năng chẳng có điều gì thực tế, thơ văn ở nhiều trường hợp là những câu tứ mông lung, xa vợi. Nhưng, nếu thơ văn một lúc nào, bất thần bẩy người đọc bay bổng lên, kịp nhìn xuống thế giới mặt đất có bao điều tai tương, thì lúc bấy giờ văn chương thành chỗ tựa, người ‘vịn câu thơ mà đứng dậy’[7]

Cho nên, hiện thực thế giới thơ văn của Trần Trung Đạo, đã và đang là ‘lửa’ chuyển lên đường thế hệ, có công năng diệu dụng chuyển vận theo dòng sử lịch hùng tráng của Tiền Nhân, vọng suốt mấy nghìn năm về trước:
Mặt trời mới mọc bên kia biển
Hay lửa phương Đông báo hiệu mùa
Thức dậy đi em giờ đã điểm
Mẹ khóc lâu rồi em biết chưa?

(Thức dậy đi, tr. 124)

Và, từ cõi văn chương thi phú, nếu xuất thần mang theo cả hồn thiêng sông núi, gọi một cõi ‘Gió Nam Quan xô sóng Bạch Đằng’, hay lay động linh địa bừng giấc mộng sau ‘bao nhiêu năm ngồi nghe nhau khóc, đã đủ chưa máu chảy ruột mềm’ (Thức dậy đi, tr. 124), như đã từng có một nguồn thơ tiêu biểu:
‘Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư.’
[8]

Thì bấy giờ, thơ là Hịch[9], là nguồn văn sử siêu linh đầy công năng chuyển vận cùng sinh mệnh dân tộc. Nên từ góc nhìn đó, tôi trân trọng tấm lòng của Trần Trung Đạo dù anh chẳng hề tân toan mà luôn nghĩ bản thân chỉ như ‘một ngọn đèn dầu, một que củi,’ nhưng đã góp một phần không nhỏ cho những trang sử văn thời đại, và dòng thơ văn của Đạo đang gọi ‘lửa’ về, soi bước anh em cùng ‘đi trên con đường thế hệ’ hay tiếp nối, từ những ngày:
‘Ôi đất nước kể từ khi có đảng
nước sông Hồng không rửa hết thương đau.’

(Van xin, tr. 236)

Và, cho dù ‘trên con đường thế hệ’ chúng ta đang đi hôm nay, vẫn còn những ngày buồn thảm nhiều cay đắng, rồi phải trả giá đắt bằng sự hy sinh, nhưng vẫn vững tin mà bước tới:
‘Từ phố xa xôi đến tận quê nghèo
cứ mỗi lúc có một người ngã xuống
cả ngàn người đứng dậy bước theo.’

(Đường chúng ta đi hôm nay, tr. 218)

nên:
‘Em ơi đừng ngại, khi đưa tay nhau nắm,
bốn nghìn năm lịch sử mỉm cười theo’
(Ghé thăm trại Về Nguồn, tr. 228)



3.
Thế kỷ XXI, nhân loại văn minh không chuộng chiến tranh nhằm giải quyết những xung đột, thì giữa một xã hội còn đầy bất an, tầng lớp trí thức nói chung và giới cầm bút nói riêng, là hiện thân của kẻ sĩ ‘mài kiếm dưới đêm trăng,’ hẹn một mùa đổi thay.

Tập ‘Tiểu luận Trần Trung Đạo’ của anh đã  tặng tôi dạo nào, về sau lại có người thích, tôi không tiếc mà mang cho đi, bởi tôi quý trọng tâm huyết của Đạo và quý trọng tấm lòng của người bạn trẻ đã dành cho anh. Tôi chuyền tay tác phẩm của Đạo, cũng như cách mà Đạo đã giữ và chuyền ‘lửa’ trong anh em.

Viết cho anh Đạo và các bạn trẻ đã và sẽ cùng gặp nhau ’trên con đường thế hệ,’
và như một cách mong giữ chút ơn nhau

California, Mùa Tạ ơn, 23/11/2011 


Chú thích:
[1]   Như Nguyệt – Bách khoa toàn thư mở 
[2]   Lũng Nhai  – Bách khoa toàn thư mở  
[3]   Bình Than – Bách khoa toàn thư mở[4]   Diên Hồng - Bách khoa toàn thư mở
[5]   Bạch Đằng – Bách khoa toàn thư mở
[6]   Giặc ngoài mở cuộc xâm lược mới, giặc trong ác bá cường hào, oai nghiêm chính quyền ruỗng mục.
[7]   ‘Có những phút ngã lòng, tôi vịn câu thơ mà đứng dậy’Phùng Quán[8]   ‘Nam Quốc Sơn Hà’
         南國山河
        南 國 山 河 南 帝 居
        截 然 定 分 在 天 書
        如 何 逆 虜 來 侵 犯
        汝 等 行 看 取 敗 虛
        Bách khoa toàn thư mở
[9]   Hịch là thể văn được viết nhằm nêu cao chính nghĩa của một cuộc hành binh, động viên tinh thần chiến đấu của tướng sĩ, thường ngắn gọn.
 

Copyright © 2010 Uyên Nguyên All Rights Reserved

Design by Dzignine