Gặp nhau giữa thoáng bàng hoàng tử sinh...

Có người nói, đại khái thế này: “Hắn biết gì về anh Từ mà cứ hay nhắc, làm như là mình đã từng sinh hoạt cùng thời với anh Từ vậy…”. Đứng ở mặt nào đó, lời phê phán này xét ra không sai, song nếu thế thì sẽ chẳng còn ai phải viết, phải học về những bài học lịch sử của đất nước, dân tộc, của Giáo hội, của Tổ chức GĐPT cùng những tấm gương sáng ngời của bao bậc tiền bối hữu công, v.v.. và v.v… Như thế thì, tuổi trẻ ngày mai lớn lên sẽ không còn biết gì về những truyền thống tốt đẹp của cha ông mình nữa. Nói một cách khác là mất gốc.

Thế hệ chúng tôi, sinh sau đẻ muộn, lại đến với tổ chức GĐPTVN thật muộn màng, và hơn thế nữa, nỗi đời đã xuôi khiến mình sớm trở thành những thân phận ly hương biệt xứ, nên phần lớn chỉ được biết bác Tâm Minh, anh Nguyên Y, anh Tâm Khuyến, anh Như Tâm, chị Tâm Chánh cùng nhiều anh chị huynh trưởng khác qua các hình ảnh lưu niệm và sử sách ghi lại, hay được quý anh chị huynh trưởng cao niên còn hiện tiền kể cho nghe. Điều này rất quan trọng, và chúng tôi thường cảm kích, trân quý những gì mình biết được qua những cách mà tôi vừa nói. Hơn thế nữa là khi tận mắt chứng kiến sự phụng hiến của quý anh chị huynh trưởng cao niên hiện còn đang sinh hoạt với tổ chức, để bằng vào những việc làm sinh động này, phần nào chúng tôi thấy được sự hiện hữu của những bậc đàn anh, đàn chị mà chúng tôi không có dịp may sống cạnh mà nay thì đã không còn nữa. Và tôi xem đó là sự “tiếp xúc nhiệm mầu” giữa những thế hệ tương tục, tiếp nối từ trước về sau.

Tôi còn nhớ, trại huấn luyện huynh trưởng Lộc Uyển – A Dục do BHD GĐPT Miền Quảng Đức (Hoa Kỳ) tổ chức năm 1993 ở đất trại Camp Seely với cao độ trên 4000 feet thật lạnh lẽo. Tôi bấy giờ là một thành viên được mời vào Ban quản trại làm việc với khối hành chánh và đặc biệt cùng chăm sóc bản tin trại với anh chị em. Thời gian ấy, vào giữa đêm của một tối, bất giác tôi thấy chị Diệu Liên oà lên khóc rồi ùa chạy ra khỏi văn phòng Ban quản trại như thể tìm một chút không khí trong lành. Và xung quanh lúc bấy giờ một sự buồn thảm hiển lộ trên những khoé mắt, khuôn mặt của các anh Tâm Nguyên, Tâm Kiểm, Nguyên Hiền và chị Hoài Chân, Nguyên Cần… Thoạt đầu, tôi thật thắc mắc, nhưng lần hồi tôi hiểu, tin từ quê nhà: Anh Như Tâm Nguyễn Khắc Từ vừa vĩnh viễn rời xa anh chị em áo Lam…

Tôi biết về Anh Như Tâm ở cái thoáng bàng hoàng của tử sinh ấy. Cũng như cái lần mà tất cả anh chị em huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT Long Hoa ở hải đảo Paulo Bidong được sự chủ trì của Thầy Tâm Thể, Tâm Thiện và Nguyên Thể phủ phục trước linh vị chị Tâm Chánh Hoàng Thị Kim Cúc thiết lễ cầu siêu tiễn đưa, thì ở vào cái khoảnh khắc vô thường ấy, tôi mới biết được về một người Chị trong tổ chức áo Lam …

Nghĩ cũng là lạ, mười mấy năm thoáng qua, tôi biết được Anh Từ kể từ ngày Anh “chết”. Thế nhưng mười mấy năm này đâu đâu tôi cũng thấy có sự hiện diện sống thực của Anh ở cạnh đời mình. Anh lừng lững, oai nghi; Anh hiền từ, chân thiết; Anh cảm thông, khích lệ; Anh tận tụy, miệt mài,… Nhờ đó, ở từng chặng gập ghềnh buồn vui đời Lam, tôi vẫn vững tin dấn bước.

Mười mấy năm thoáng mà đã qua nhưng vẫn lưu giữ mối tình đậm đà của tôi đối với hình bóng của một người Anh trưởng dù chỉ biết nhau qua những câu chuyện kể, qua những trang lịch sử ghi chép mà tôi biết là vẫn không tả hết công hạnh của một đời người sống trọn cho quê hương, cho đạo pháp, dân tộc và cho tổ chức GĐPTVN như Anh.

Thế thì, tử-sinh đâu đã có thể cách biệt được khối tình này, khối Tình Lam bao đời của các bậc tiền bối áo Lam khơi nguồn xuôi chảy êm đềm mà tràn đầy sức sống, tưới tẩm cho những mầm non hôm nay và ngày sau được lớn dậy vững mạnh.

Một lòng tri ân với tất cả anh chị tiền bối, và với riêng Anh Như Tâm, người đã từng tận tụy bồi đắp mảnh vườn ươm để hôm nay tuổi trẻ chúng em đang được tắm gội và bơi lội tung tăng giữa ao hồ Sen ngát, tận hưởng được mọi giá trị tốt đẹp ngay giữa cuộc đời ác thế này.

Cảm niệm kính dâng Anh Như Tâm nhân ngày Hiệp kỵ và ngày giỗ của Anh. Kính chia sẻ với chị Xuân Hoà cùng gia đình.
 

Copyright © 2010 Uyên Nguyên All Rights Reserved

Design by Dzignine