Ngỡ “được vua,” xua người “làm giặc”
Phật tổ bao giờ chứng tội ai?
Phật tổ bao giờ chứng tội ai?
Uyên Nguyên
Buổi sáng mới nắng đó, giữa trưa trời bỗng ấm ức mưa. Thắp một nén nhang trầm rồi ngồi vào chiếc bàn quen thuộc hướng ra ngoài bầu trời xám ngắt, đọc chậm rãi bài viết ngắn “Tín Tâm Bất Hoại” mà anh Vĩnh Hảo vừa gởi cho sáng nay.
Trước đó không lâu, mình cũng đã được đọc “Già Lam”, “Chỉ là chiêm bao” của anh, vẫn với cảm nhận như nhất, bồi hồi và tâm đắc! Bởi trong bầu không khí truyền thông tạp nhiễm xung khí trái trở nắng gắt và mưa dầm, khẳng khái nhận “giặc” là Thầy chừng, không dễ, còn được mấy người!
Ừ thì, thường tình “được làm vua - thua làm giặc” theo thói nghĩa thế gian, nhưng giữa thời cuộc trước mắt “thua” hay “được” không phải là điều đáng bận tâm cho những hành giả đang thực chứng lộ trình Bồ Tát Đạo. Từ Đông sang Tây, cổ đến kim, "bóng ma hiện sinh cá biệt của con người đã là một thảm trạng não nùng giữa tri thức và cuộc đời. Mỗi chúng ta một lúc nào đó đều có nguy cơ được nhìn nhận như một con người xa lạ, quái gỡ, bởi lúc đó mình được đặt vào cái tri thức của kẻ khác. Lúc đó mình sẽ không còn là mình nữa mà, là cái gì đó của mọi người khác quan niệm." (Tuệ Sỹ)
Cho nên, "đứng trước những tra vấn sống/còn của cuộc đời, thái độ tích cực vẫn là một sự im lặng, nó không đồng nghĩa cho một thái độ hoài nghi hay bất khả tri. Bởi cuộc đời là ảo ảnh mà tri thức cũng là ảo ảnh, mà nghiệt ngã thì cả hai đối nghịch nhau, nên khi còn lựa chọn, nghĩa là chưa vượt ra ngoài hạn hữu tương đối để nắm bắt cái toàn thể thì bất kỳ thái độ nào cũng vẫn nằm trong cục bộ, mà chân lý bao giờ cũng chỉ được nhìn nhận bằng cái toàn thể mà thôi." (Tuệ Sỹ)
Bao lâu, vì nỗi sợ hãi trước những được/thua hay vì muốn quên đi những đối nghịch hiện sinh của tri thức và cuộc đời, mà chúng ta bắt buộc có một sự chọn lựa trên những nền tảng vốn chập trùng ảo mộng, được nuôi dưỡng như một yếu tố duy nhất cho sự sống, là những giấc chiêm bao lộng lẫy mà con người cần đến, thì đó chỉ là cùng một thái độ của những tên tử tội đang thương hại nhau, chờ giờ thụ án.
Cuối cùng, những bậc Thầy của loài người, có thể làm được bất cứ những gì mình nói và nghĩ, nhưng khác với bao kẻ thấp thường chúng ta, họ vượt qua những chặng đường biện chứng hiện sinh, không đóng lên bộ mặt để người khác tôn thờ như một thần tượng, hay giữ thái độ để người khác mong cầu và chiêm ngưỡng chí thành mà, họ đã làm bằng cái làm đích thực ở trên cái toàn thể.
Nhưng dù sao, ở cảnh giới nào, thì trong con mắt của những bậc Thầy của loài người, vẫn thơm ngát Từ Tâm:
“Này các Tỳ khưu! dầu thế gian này thường hoặc vô thường, thì chúng sinh vẫn hiện có, có già, có bệnh, có chết, thống khổ ưu bi” (Kinh Trường A Hàm)
Ừ thì ngẫu nhĩ trời mưa, chúng sinh đến với cuộc đời như một ngẫu nhĩ và ra đi như một ngẫu nhĩ. Và sự IM LẶNG của Đức Thế Tôn một lần trước những tra vấn mà Mang Đồng Tử (Malunkyaputta) nêu lên tiêu biểu cho nỗi khắc khoải muôn đời của con người về hiện hữu nội thân và ngoại giới vốn, không ngoài ý nghĩa nên vươn lên cái toàn thể không bằng những tra hỏi về cuộc đời.