BẢN HUYẾT ÂM

Nghe mọi người bàn tán xôn xao, Kiều Phương hấp tấp chạy ra đầu ngõ xem cho rõ câu chuyện. Cảnh tượng trước mắt nàng là hình ảnh Nhã nằm sóng soài, bất động giữa con lộ đông đúc xe cộ qua lại vào giờ cao điểm, bây giờ càng thêm tắt ùn vì tai nạn mới vừa xảy ra.

Chiếc xe của người vừa đâm thẳng vào Nhã, bị mất hướng lao lên vệ đường, nằm chỏng chểnh giữa đống bàn ghế ngã nghiêng với mớ vật dụng đổ vỡ trong quán cháo dì Chín. Bà ngồi thừ ra đó, gương mặt thểu não của người mất của, pha dáng thương tâm trước cái chết của Nhã.

Lúc này không biết nàng có sợ không, nhưng có một mãnh lực vô hình nào đó khiến nàng nhanh nhẹn len mình qua lớp hàng rào người thị hiếu đang vây quanh chỗ Nhã nằm, để được đến gần và nhìn rõ hơn. Rồi khi đã đứng cạnh xác của Nhã, nàng vẫn chưa tin chàng đã chết. Cái chết đến với Nhã và cả chính nàng thật quá đột ngột. Nàng nhất định vẫn không tin những gì đang diễn ra trước mắt mình.

Trong ký ức, nàng thấy Nhã rất rõ, lành lặn và tháo vát. Chỉ mới mươi phút trước chàng còn vui vẻ lướt mấy ngón tay thoăn thoắt trên phím dương cầm, chiều theo ý nàng muốn được nghe một lần cuối khúc Sonata mà nàng ưa thích nhất. Nói là lần cuối, vì ngày mai Nhã sẽ không ở lại nơi này nữa. Theo lời chàng kể, hôm nay đến tạm biệt nàng để đi về một thành phố xa xôi khác lập nghiệp. Chàng yêu nhạc, yêu đàn, nhưng mấy ngón nghề này không nuôi nổi miệng ăn của mình nơi cái xóm lao động nghèo này. Mấy năm nay chỉ có nàng là người duy nhất có đủ tiền nong thuê Nhã đến tận nhà dạy nhạc, mà hình như mỗi lần Nhã đến đây, thì nàng chỉ muốn ngồi nghe chàng biểu diễn những nhạc khúc mà nàng yêu thích, còn chuyện học đối với nàng có lẽ chỉ là một cái cớ. Nhã càng ngày càng cảm nhận ra được điều này, chàng đâm ái ngại, rồi mặc cảm.

Thường mỗi buổi chiều có Nhã, sau khi chọn những nhạc khúc mình thích để chàng biểu diễn, nàng bình thản loay hoay với những công việc trong gian phòng khách rộng rãi, có khi cắm một lọ hoa mới trên bàn, có khi sửa lại vị trí của những quyển sách nơi kệ… Nhưng đặc biệt chiều nay, nàng ngồi yên bất động bên khung cửa sổ có tấm màn vải von trắng đục, nhìn ra ngoài vườn sau với đôi mắt u huyền xa xôi nhưng không dấu được vẻ cảm xúc trước cuộc chia ly. Nó bắt nguồn từ một thế giới tình yêu âm nhạc bay bổng, hay là thế giới tình yêu đôi lứa vừa bắt đầu chớm? trong giờ phút này nàng thật sự không phân biệt được nữa, chỉ mơ hồ nàng bắt đầu thấy tiếc nuối và muốn níu kéo. Và chiều nay, sự tiếc nuối đã biến thành lòng thổn thức, khi trước mắt nàng nhập nhòa mọi hình ảnh đang nhảy múa quay cuồng, duy chỉ có Nhã nằm bất động mãi cho đến lúc người ta trùm kín khuôn mặt chàng và đẩy đi trên một chiếc băng ca. Hình ảnh cuối cùng nàng nhớ rõ khi cánh tay Nhã rơi thỏng xuống, để lộ năm ngón thẩm bầm. Bàn tay như đang chới với và nàng muốn nắm lấy thật chặt, không rời... Rồi cho đến khi tiếng còi xe rít rùn rợn inh ỏi xa dần mà nàng vẫn đứng chết trân bên vệ đường, vẫn chưa tin chuyện vừa xảy ra. Trong thâm tâm, nàng nghĩ đó chỉ là tai nạn bình thường, người ta sẽ cứu Nhã sống lại, và nàng sẽ còn nghe chàng đàn mãi mãi. Tiếng đàn vẫn vọng trong ký ức, rành rọt.


*
* *

Xóm nghèo trở lại bình thường, mọi người tản ra, về nhà hay lo việc của mình. Nhưng câu chuyện thương tâm vẫn còn xôn xao một thời gian lâu sau nữa. Duy chỉ có nàng từ đó cảm thấy cuộc sống mình bỗng rơi vào một thế giới cô độc lạ lùng. Mỗi lần ướm mấy ngón tay thon mềm trên những phím dương cầm, nàng đều bắt gặp một cảm giác lạnh dài ở sóng lưng, và mỗi lần những nốt nhạc vừa chạm, vang lên, nàng nghe thật nhói đau ở lồng ngực, khan nơi cuống họng. Chiều nào bà con nơi cái xóm nghèo này cũng nghe tiếng đàn của nàng, nhưng có mấy ai để ý mà hiểu tiếng đàn ấy bây giờ ra chiều u uất. Chỉ còn dì Chín quán cháo, mỗi lần tiếng đàn vừa cất lên là bà lại kéo nhẹ vạt áo lem luốc lên chậm chậm đôi mắt. Bà là người vẫn nhớ đến thằng Nhã hiền lành thường ghé lại quán cháo của bà sau giờ dạy nhạc, lâu dần thành quen thân. Bà coi nó cũng giống con cháu của mình vậy. Nhiều lúc nghĩ lại, bà thầm nhũ phải chi chiều hôm đó Nhã đừng băng qua con lộ này để vào quán của bà, cứ bày đặt lễ nghĩa làm chi, đi thì đi cho khuất, cho xong, khách sáo vì muốn nói lời từ giã làm gì! Mà bây giờ nó đã đi khuất thật rồi, nên bà chỉ còn biết thương con bé Kiều Phương trong xóm mỗi chiều hay ngồi dạo lại những khúc dương cầm mà Nhã đã dạy cho. Bà đâu biết nhiều về nhạc, thậm chí không biết thưởng thức, nhưng mỗi lần nghe, bà cứ thấy có điều gì trắc ẩn.

Có những hôm không nghe được tiếng đàn, bà nghĩ ngay con bé chắc đã ngã bệnh, nên mấy lần tự động múc tô cháo nóng, thêm ít gừng và tiêu cay đem qua tận nhà, ép con bé phải ăn ngay cho khỏe, nại cớ để còn sức đàn cho bà nghe mỗi buổi chiều, bà nói đó là niềm vui duy nhất của bà ở giữa chòm xóm nghèo này.

- Cháu ăn đi, cháo dì vừa dọn hàng ra. Ơ, mặt mày sao xanh nhợt như thế!?

- Dạ, cháu cám ơn bà…

Không đợi nàng nói thêm, dì Chín nhìn sâu trong mắt nàng, và từ trong mắt dì cũng có ngấn long lanh:
- Bà con ở cái xóm này, không ai không yêu mến tiếng đàn của cháu, cháu phải khoẻ mạnh để tiếp tục đàn cho dì nghe, cho chòm xóm nghe. Khách hàng của dì, có nhiều người đến ăn không phải là cháo dì ngon, mà họ được nghe tiếng đàn của cháu…

Nàng ngồi yên lặng bên cạnh chiếc dương cầm đặt ở giữa phòng, không nói gì thêm trong lúc dì Chín sửa soạn bữa cháo cho nàng, rồi bà quay ra, trở lại quán cháo của mình mà không quên dặn:
- Ăn đi cháu, cháo còn nóng. Rồi nhớ uống thuốc vào.

Nàng dạ một tiếng nhỏ, bàn tay vẫn mân mê trên những phím nhạc với nụ cười hiền hậu. Những lúc ngồi chơi lại những tấu khúc dương cầm Nhã dạy cho nàng năm xưa, có những giấc mơ hiện lên giữa ngày, từ dưới những bàn phím trắng đen trồi sụt, có những dòng máu tươi lún phún vọt lên, từ những đầu ngón tay thẩm bầm mà nàng đã từng cố níu lại ở lúc người ta đem xác của chàng đi. Những giọt máu tràn lên mặt phím, hòa tan với những giọt lệ rơi lã chả từ khuôn mặt mỗi ngày xanh xao hơn của nàng. Rồi đến một ngày, giấc mơ tan đi, nàng nhận ra máu không phải từ những phím đàn dâng lên nữa, mà xuyên qua hai hốc mũi nàng tràn xuống, không còn ngăn kịp.

*
*       *

Như thường lệ vào giờ này, tiếng đàn lại vang lên từ căn nhà của nàng, lúc dì Chín loay hoay với mấy người khách vừa bước vào quán và kéo ghế ngồi xuống, nên chẳng để ý đến nhiều mà chỉ thoáng nghe tiếng đàn là dì đã mừng. Nhưng lạ kỳ, bản nhạc chưa hết, bất chợt tắt hẳn âm thanh. Từ quán cháo của mình, dì Chín nghe được tiếng cuối cùng vang lên không phải là tiếng của nốt dương cầm lịm ngân, mà dì nghe rõ mồn một âm thanh đổ ập xuống.

“Chết rồi!” miệng dì lầm bầm, hớt hãi bỏ mấy người khách ngồi ngơ ngác, không hiểu chuyện gì, để chạy phăng qua đường hướng thẳng cửa nhà con bé.


*
*      *

Mấy năm sau, ở cái xóm nghèo này, trong ký ức mọi người không ai còn nhớ đến tiếng đàn năm xưa của nàng, thỉnh thoảng người ta chỉ kể với nhau về cái chết đầy ấn tượng của hai đứa trẻ tội nghiệp, lại thêu dệt thành một chuyện tình hết sức oan trái. Chỉ có mỗi một mình dì Chín là người duy nhất, những chiều khi bắt đầu bày quán, dù có còn hay không được nghe tiếng đàn năm xưa, mà vẫn thói quen đến giờ, đưa mắt nhìn lên khung cửa sổ của căn nhà đối diện bên kia đường, những lúc ấy, dì lại vén vạt áo chậm chậm đôi mắt, lòng dì bấy giờ tựa như một phím đàn chùng.

6/2009
 

Copyright © 2010 Uyên Nguyên All Rights Reserved

Design by Dzignine