Dễ mấy có một Bùi Giáng "điên điên khùng khùng thứ thiệt" khác, song lắm người lại thích "điên điên" theo cốt cách Bùi Giáng ở cái phố Bolsa này. Tôi biết tên lão nhờ nét chữ viết trên mặt thùng đàn guitar và trên mấy cái bàn kê ở hàng hiên quán Amazon: Bình Thủy Lãng Tử.
Gã viết đẹp, và nói tiếng Anh lưu loát.
Buổi chiều ở đây mùa Hạ nắng hổ hoàng xuống thấp là đà, gió liu riu lay nhẹ mấy tán lá tre xanh rười rượi, tạo nên khung cảnh thơ mộng, lý tưởng để ngồi thưởng thức vài ba cốc bia ướp lạnh cùng mấy đứa bạn thâm giao.
Hôm nay lại có thêm gã, ôm chiếc đàn thùng ngồi sát ở bàn bên cạnh, say sưa hát, rồi uống say sưa.
Ngón đàn của gã như điện chập mạch, thi thoảng dứt bặt, lúc gã ngồi ngây người trầm ngâm, chờ một hồi lâu mới tiếp một đoạn nữa. Có khi, gã ngồi bệch cả xuống đất, trút ngược cây đàn lên không, khảy tay lia lịa.
Bất kể ca khúc nào gã cũng đàn hát bằng điệu bộ đó. Thích nhất khi gã hát bài Hòn Vọng Phu giữa cái không khí thời sự "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam!" Bấy giờ lời nhạc không tượng hình gương mặt đẫm lệ của người thiếu phụ ôm con chờ chồng mà, vụt hiện bóng dáng Mẹ Việt Nam, đứng ngóng ra đảo xa!
Hẳn là không phải Bùi Giáng tái thế, nhưng phảng phất ở cái hàng hiên này mỗi chiều khi tình cờ ghé lại, tôi bắt gặp một vài nhân vật lạ thường, "điên" không phải mà "bình thường" cũng không phải, bởi hành vi của họ không bạo động, lạ lẫm mà trông ra dễ thương!
Có hôm ngồi ở đây nhìn ra khoảng sân nắng, có một gã "khùng" khác ngồi chênh vênh trên chiếc xe đạp, ngước cổ nói chuyện huyên thuyên với bầy chim se sẻ đậu trong bụi tre Amazon.
"Điên" là thế nào mà "không điên" là thế nào? Nhìn quanh, rồi nhìn lại mình....
Điên, dễ mấy?!