XUỐNG ĐƯỜNG...


Mỗi ngày, 6 giờ đồng hồ, ông Nigel ngồi ở đầu con hẻm của khu phố nghèo này, có lúc đứng phắt dậy, miệng hô to khi thấy những chiếc xe chạy về hướng mình. Việc làm của ông tưởng là đơn giản vì chỉ cần tạo sự chú ý cho những người lái xe ngang đường đang đi tìm chỗ đậu, để sau đó có thể thong thả rảo bộ qua những sạp quán buôn bán tạp hóa luôn tấp nập người mua ở đây. Hai vỉa hè của khu vực này hầu như ngày nào cũng kín hết chỗ, vì bao lượt người đến rồi đi, nhất là vào những ngày cuối tuần. Vì thế nếu lỡ đến sau thì đành phải chịu tốn ít tiền để cậy vào các bãi giữ xe công cộng. Nhờ vậy mà ông có “job”. Cái job tưởng bỡ!

Nhưng, ngồi quan sát ông hàng giờ, dưới ánh nắng trưa cuối hè oi ả mới thấy đó cũng là một nghệ thuật. Nghệ thuật làm sao tạo được sự chú ý đã đành, không cứ hò hét múa may là đủ, mà tự thân còn toát ra được vẻ thân thiện bắt gặp ngay từ cái nhìn ban đầu của khách thập phương, vì không phải ở mỗi block đường gần đó mà chỉ cần nhìn xéo qua lộ, đã có một người đàn ông khác hành nghề tương tợ, nhưng cho một công ty khác. Việc tranh thủ khách hàng chắc là phải khốc liệt. Khách, chọn lựa bên này hoặc bên kia, chỉ là tích tắc từ cái nhìn ban đầu.

Xét ra thì dáng vẻ năng động, phục cách tươm tất sạch sẽ, pha chút nghệ sĩ cao bồi đường phố, nên khách nhìn chắc là dễ thiện cảm hơn để trao ra niềm tin. Cái nghề này, giữa phố chợ nghèo nàn, hổn độn, người đến đây chắc phần nhiều với lòng hoài nghi, vì thế mà khi tôi bắt chuyện làm quen, thoạt đầu ông có vẻ ái ngại và lòng mặc cảm hiện rõ ngay ở câu nói ban đầu, dù cứ như là ông đang nói bâng quơ:

- Ồ, tôi chẳng quan tâm người ta nghĩ gì về việc làm này… nếu mình tốt thì việc gì cũng tốt!

Ông nói và nhún vai, nhưng không màng tôi đang quan sát, ông vẫn tiếp tục công việc mình đang làm. Thỉnh thoảng đường thưa người qua lại, ông quay sang trò chuyện với mấy người bạn đang bày hàng rong ở vệ đường. Họ có lẽ quen nhau lâu, bởi ông tâm sự đã làm nghề này gần 6 năm rồi, tuổi ông năm nay đã chừng 62. Cực chẳn đã 6 năm dưới nắng trưa và có khi mưa dầm, cái nghề của ông với mức thù lao thấp nhất đã trở thành điều cần thiết không phải chỉ vì miếng cơm manh áo của ông, của gia đình ông, mà thật sự cũng cần cho bà con cô bác có dịp xuống đây.

Thật ra thì ông chẳng cần phải ái ngại điều gì để nói với tôi về công việc mà ông đã chọn, nó hạ cấp trong mắt nhiều người, có thể! Nhưng nếu ông biết rằng một dân tộc, mà sau năm 1975, cũng có hàng triệu gia đình lâm vào cảnh nghèo đói, khó khăn, cũng buôn thúng bán bưng để có miệng ăn và, tôi cũng từng có dịp theo Mẹ buôn tần bán tảo ở chợ đông hồi còn bé, hay cũng từng nhìn thấy những bà mẹ của hàng triệu bà mẹ Việt Nam vội vã đẩy những bao gạo, bao than ra khỏi khoan tàu, nhắm mắt lao người theo, khi con tàu vẫn cứ lầm lũi trườn đi trên đường ray… những bà mẹ không sợ hiểm nguy chỉ mong có đủ hai buổi qua cơn cho 14 anh chị em lúc ấy, cái lúc mà tất cả những người đàn ông trong gia đình tôi bị lùa hết vào trại “tù cải tạo”.

Về sau, trong số các em của mẹ lớn lên, cũng có người bị đẩy đi “thanh niên xung phong”, đi làm “nghĩa vụ quân sự”, cũng hy sinh tuổi thanh niên như bao thế hệ đã thấm đỏ máu xương trên mảnh đất thân yêu Việt Nam, bởi Quê hương là của Dân tộc! nên ở mọi thời, những người hùng lớn lên từ bàn tay của những bà Mẹ một đời tần tảo bán bưng nơi những khu phố nghèo, lam lũ trên những nẻo chợ tăm tối, với những việc làm tưởng thấp hèn mà nghĩa tình vĩ đại như thế!

Chỉ có điều thấp hèn thật ô nhục, chính là sự đãi bôi truyền thống hào kiệt Việt Nam, tình tự quê hương của những kẻ đang can tâm bán nước cho những thế lực xâm lược mới của ngoại bang!

Nhìn về những ngày xuống đườngcủa Người Việt Nam, 2011

UYÊN NGUYÊN
 

Copyright © 2010 Uyên Nguyên All Rights Reserved

Design by Dzignine